Sự việc và nhân vật trong văn tự sự (trang 39 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1)
Câu 1: Chỉ ra các việc mà những nhân vật trong truyện Sơn Tinh, thủy Tinh đã làm:
- Vua Hùng:
- Mị Nương:
- Sơn Tinh:
- Thủy Tinh:
a, Nhận xét ý nghĩa, vai trò của các nhân vật.
b, Tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo sự việc gắn với những nhân vật chính.
c, Tại sao truyện lại được gọi là Sơn Tinh, Thủy Tinh? Nếu đổi bằng các tên dưới đây có được không?
- Vua Hùng kén rể
- Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, Vua Hùng và Mị Nương
- Bài ca chiến công của Sơn Tinh
Trả lời:
Các việc mà những nhân vật trong truyện đã làm:
- Vua Hùng: tổ chức kén chồng cho con gái và đưa ra yêu cầu về sính lễ
- Mị Nương: cùng Sơn Tinh về núi
- Sơn Tinh: mang lễ vật tới trước và rước Mị Nương về, ngăn chặn sự tấn công của Thủy Tinh
- Thủy Tinh: dâng nước lên đuổi đánh Sơn Tinh
a, Vai trò, ý nghĩa của các nhân vật trong truyện:
- Vua Hùng, Mị Nương: là các nhân vật phụ và chỉ đóng vai trò thúc đẩy các tình tiết của câu chuyện.
- Sơn Tinh, Thủy Tinh: là hai nhân vật chính, có diễn biến hành động từ đầu đến cuối tác phẩm, là biểu trưng cho ý nghĩa của tác phẩm.
b, Tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo sự việc gắn liền với những nhân vật chính.
Sơn Tinh, Thủy Tinh đều là các vị thần tài giỏi và có sức mạnh vô song, một người là chúa của cả một vùng non cao, một người là chúa của vùng nước thẳm. Hai người đều cùng tới cầu hôn công chúa Mị Nương, con gái của vua Hùng Vương thứ 18. Nếu ai có thể đem được sính lễ gồm 100 ván cơm nếp, 100 nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ 1 đôi đến trước sẽ được vua gả công chúa cho. Ngày hôm sau, Sơn Tinh mang sính lễ đến sớm hơn và rước Mị Nương về núi. Thủy Tinh vì đến sau nên không lấy được vợ, nổi giận, đem quân đuổi theo đánh Sơn Tinh. Hai bên giao chiến ròng rã cả mấy tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh cũng đuối sức nên đành phải chịu thua. Từ đó, thù oán càng sâu nặng, hằng năm Thủy Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thất bại.
c, Tên của truyện được gọi là "Sơn Tinh, Thủy Tinh" là vì nó được đặt theo tên của 2 nhân vật chính của truyện.
Đặt tên truyện là Vua Hùng kén rể sẽ không thích hợp vì chi tiết vua Hùng kén rể chỉ là chi tiết phụ để dẫn dắt mạch truyện, không phải là chi tiết chính, sự kiện chính.
Đặt tên truyện là Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng không thích hợp vì Vua Hùng và Mị Nương chỉ là các nhân vật phụ trong câu chuyện này.
Đặt tên truyện là "Bài ca chiến công của Sơn Tinh" cũng không thích hợp vì đó chỉ là 1 phần ý nghĩa của câu truyện, trong khi đó câu truyện còn hàm chứa rất nhiều ý nghĩa khác nữa.
Câu 2: Người ta hiểu sự việc trong văn tự sự là các hành động làm các sự việc khác nảy sinh, làm thay đổi và thể hiện tính cách của nhân vật. Em hãy chỉ ra những sự việc như vậy trong truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh".
Trả lời:
Những sự việc có tác dụng làm thay đổi và bộc lộ ra tính cách nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là:
- Vua Hùng kén chồng cho công chúa Mị Nương và đưa ra yêu cầu về sính lễ.
- Sơn Tinh mang sính lễ đến trước nên được cưới Mị Nương.
Câu 3: Cho nhan đề truyện: Một lần không vâng lời. Em hãy tưởng tượng để kể 1 câu chuyện có nội dung phù hợp theo nhan đề ấy. Em dự định kể sự việc gì và có diễn biến ra sao, nhân vật của em là ai?
Trả lời:
Bài làm: Một lần không vâng lời
Mỗi chúng ta khi còn bé đều có ít nhất một lần phạm phải sai lầm, và cũng có lúc không nghe lời bố mẹ khiến bố mẹ buồn. Sau đây tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện đã để lại sự hối hận sâu sắc trong tôi. Bố mẹ tôi luôn dặn tôi mỗi khi vui chơi hay đá bóng đều phải chơi ở trong sân nhà hoặc là những nơi an toàn. Nhưng vì tính tôi vốn ham chơi nên một lần tôi đã cùng nhóm bạn trong xóm rủ nhau ra đường lớn chơi đá banh. Lúc đó là buổi trưa nên chúng tôi nghĩ rằng sẽ không có xe cộ qua lại. Chúng tôi đang chơi rất vui, ai cũng đầm đìa mồ hôi. Đúng lúc chúng tôi đang có pha tranh bóng quyết liệt thì có một chiếc xe máy chạy với tốc độ rất nhanh qua khiến tôi và hai bạn khác cùng bị ngã, tôi đã bị gãy chân. Lúc đó tôi vừa đau vừa sợ. Khi bố mẹ biết tin đã nhanh chóng đưa tôi đi viện, mẹ tôi vừa đi vừa khóc và liên tục hỏi tôi có đau lắm không. Bố mẹ không hề la mắng tôi. Lúc đó tôi đã cảm thấy hối hận vô cùng, nhìn thấy bố mẹ phải lo lắng cho mình, bản thân mình thì bị đau, không thể đi chơi cùng bạn bè được nữa. Sau lần ấy, tôi vâng lời bố mẹ hơn, bố mẹ dạy gì tôi đều nghe lời để bố mẹ được vui.
Bài trước: Nghĩa của từ (trang 36 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1) Bài tiếp: Sự tích Hồ Gươm (trang 42 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1)