Trang chủ > Lớp 6 > Giải VBT Ngữ văn 6 > Em bé thông minh (trang 74 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1)

Em bé thông minh (trang 74 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1)

Câu 1 (trang 74 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1): Hình thức sử dụng câu đố để thử tài nhân vật có phổ biến trong truyện cổ tích không? Tác dụng của hình thức này?

Trả lời:

- Hình thức sử dụng câu đố để thử tài nhân vật có phổ biến.

- Tác dụng của hình thức này là: đặt ra tình huống để bộc lộ trí thông minh của nhân vật.

Câu 2 (trang 74 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1): Sự thông minh, mưu trí của cậu bé được thử thách qua mấy lần? Lần sau có khó hơn lần trước không? Tại sao?

Trả lời:

- Tóm tắt nội dung của mỗi lần thử thách bằng 1 câu ngắn:

+ Quan hỏi cha của cậu bé mỗi ngày trâu cày được mấy đường thì cậu bé hỏi lại quan mỗi ngày ngựa của quan đi được bao nhiêu bước.

+ Vua sai dân làng nuôi 3 con trâu đực đến năm sau thì thành 9 trâu con, cậu bé bèn khóc lóc với vua rằng cha không chịu đẻ em bé để chơi với mình.

+ Vua sai sứ giả mang đến một con chim sẻ và bắt phải bày được 3 mâm cỗ thức ăn, em bé đưa cho sứ giả cây kim để vua rèn thành 1 con dao để xẻ thịt chim.

+ Sứ giả nước láng giềng muốn thử tài nước ta bằng cách xâu 1 sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột con ốc vặn dài và rỗng 2 đầu, em bé đã hát bài đồng dao để giúp vua giải được câu đố của sứ giả.

- Các thử thách sau có mức độ khó tăng dần. Thử thách đầu tiên là do vị quan đưa ra, sau đó là đến thử thách của nhà vua và cuối cùng là thử thách của vị sứ giả nước láng giềng, gắn liền với bộ mặt của quốc gia. Đặt ra các thử thách như thế thì trí thông minh của em bé cũng mới được khẳng định một cách rõ ràng và chắc chắn hơn.

Câu 3 (trang 74 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1): Trong mỗi lần thử thách, em bé đã sử dụng các cách gì để giải thích các câu đố oái oăm? Theo em, các cách ấy lí thú ở điểm nào?

Trả lời:

- Em bé đã dùng các cách dưới đây để giải các câu đố:

+ Hỏi vặn lại vị quan xem ngựa của quan 1 ngày đi được bao nhiêu bước.

+ Khóc lóc với vua rằng cha không chịu đẻ em bé để chơi với mình và nhờ vua phân xử.

+ Đưa cho sứ giả cây kim và tâu với đức vua hãy rèn thành con dao để cậu bé xẻ thịt chim.

+ Buộc chỉ ngang lưng con kiến càng, bôi mỡ vào 1 đầu vỏ ốc để kiến chui sang.

- Các cách ấy lý thú ở chỗ:

+ 3 câu đố đầu tiên: Dựa vào sự vô lý ở câu đố và sử dụng chính sự vô lý đó để vặn lại người đố khiến người đố phải công nhận cái sai của mình.

+ Câu đố cuối cùng: Hiểu được đặc tính của loài kiến và lợi dụng kích thước nhỏ của kiến để giúp xâu sợi chỉ xuyên qua ruột của con ốc vặn.

Câu 4 (trang 74 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1): Hãy nêu ý nghĩa của truyện cổ tích "Em bé thông minh'.

- Trí thông minh trong truyện là của một cậu bé khoảng 7,8 tuổi, là con của một người nông dân nghèo ở một làng quê nọ, thuộc tầng lớp nhân dân trong xã hội trước đây.

- Truyện có hàm ý ca ngợi.

- Truyện này không có đề cập đến chân lý cái thiện thắng ác, không giống như truyện Sọ Dừa và Thạch Sanh.

→ Truyện ca ngợi trí khôn và sự thông minh của em bé, thông qua đó ca ngợi trí khôn và sự thông minh của dân gian, từ đó mang đến nên tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong cuộc sống thường ngày.

Câu 5. Các chi tiết nào trong truyện khiến em bật cười? Vì sao em cười?

Trả lời:

- Các chi tiết gây cười là:

+ Em bé vặn hỏi quan rằng ngựa của quan một ngày đi được bao nhiêu bước.

+ Em bé khóc lóc với vua rằng bố không chịu đẻ em bé.

+ Em bé muốn rèn cây kim thành con dao để mổ chim.

- Lí do: Đây là các yêu cầu hoang đường, hết sức vô lý, không thể thực hiện được, quan trọng hơn đó là em bé đã dùng sự vô lý để đáp lại sự vô lý trong câu đố mà người đố đưa ra.

Câu 6. Trí thông minh của em bé được bắt nguồn từ đâu (dựa trên cơ sở nào)? Điều đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

- Trí thông minh của em bé được bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong đời sống lao động thường ngày, đó là trí khôn dân gian.

- Điều đó thể hiện sự ca ngợi đối với sự thông minh và trí khôn của nhân dân lao động.