Trang chủ > Lớp 4 > Soạn Tiếng Việt lớp 4 > Tập làm văn: Luyện tập miêu tả cây cối (trang 84 sgk Tiếng Việt 4)

Tập làm văn: Luyện tập miêu tả cây cối (trang 84 sgk Tiếng Việt 4)

Câu 1 (trang 83): Tả một loài cây có bóng mát (hoặc cây cây hoa hoặc cây ăn quả) mà em rất thích

Giải đáp:

Bài 1: Tả cây phượng vĩ

Trong sân trường tôi, sừng sững một cây phượng vĩ đang nở rộ những chùm hoa đỏ thắm như báo hiệu cho học sinh chúng tôi một mùa hè nữa lại đến. Cây phượng đã được trồng từ lâu lắm rồi. Thân cây to dễ phải đến mấy người ôm mới xuể. Dưới gốc phượng có nhiều cái rễ to, nhỏ khác nhau nhô lên. Cái thì trồi lên trên mặt đất khoảng vài mét rồi mới chui xuống dưới. Cái thì nửa trồi lên trên mặt đất, nửa nằm ẩn sâu dưới đất. Có cái thì ngoằn ngoèo, có cái thì thẳng đuột. Tán phượng xòe rộng ra như cái dù của các chú phi công, bao trùm lấy một khoảng rộng của sân trường, che bóng mát cho học sinh chúng tôi. Trên những cành phượng vĩ cao tít, chim chóc thường đến đây ca hát líu lo, làm cho sân trường thêm rộn ràng. Tiếng trẻ thơ nô đùa hòa với tiếng chim hót khiến cả sân trường như bản hợp xướng yêu đời của người và chim. Giữa một khoảng trời mênh mông, những chùm phượng đang nở nổi lên một màu đỏ rực như có ai đó vừa bắn lên một chùm pháo hoa trong đêm giao thừa: Đây là những hình ảnh đẹp đọng lại trong ký ức của tôi mỗi khi tiếng ve sầu bắt đầu kêu râm ran trên các cành phượng vĩ và phượng bắt đầu nở hoa cũng là lúc mùa hè đến. Mùa hè sắp về thì cũng là khi cây phượng khoe sắc, là dấu ấn thời gian thúc giục lứa tuổi học trò chúng tôi mau mau luyện bài chuẩn bị cho kì thi học kì sắp tới, và cũng là khoảng thời gian học sinh chuẩn bị tinh thần chia tay nhau trong ba tháng hè với sự lưu luyến và nhớ nhung. Rồi đâv nữa, những trang lưu bút ngây thơ, hồn nhiên nhưng chứa đựng những xúc cảm của tình bạn. Trong đó, có thể là những câu chuyện buồn, chuyện vui với những cánh phượng hồng được ép khô thành những con bướm có màu huyết dụ, gợi nhớ những ngày học bên nhau cùng ngồi dưới gốc phượng này. Rồi tiếp nữa, khi những cơn mưa mùa hạ đến, xác hoa phượng rụng khắp sân trường đỏ hồng như xác pháo. Và biết bao bạn học sinh cũng như tôi có cảm giác xót xa trước những cánh hoa tơi tả. Nhưng rồi sau đó, mùa hè lại qua đi, năm học tiếp theo lại đến, phượng lại bắt đầu nhú chồi, ra lộc... cứ thế, cứ thế cây phượng lại ra hoa, lại thắp đỏ cả một vùng trời, lại báo hiệu một năm học sắp kết thúc. Và mùa hè lại đến... Từ biệt những cánh hoa phượng đỏ, lòng tôi lại cảm thấy có chút xao xuyến bâng khuâng khi có cuộc chia ly với cây phượng thân yêu, chia tay với những người bạn đã cùng ngồi với nhau dưới mái trường này...

Bài 2: Tả cây bàng

Sân trường em có trồng rất nhiều cây để lấy bóng mát như cây phượng vĩ, cây bằng lăng, cây xà cừ,… Cây nào cũng có một vẻ đẹp riêng, cũng xanh tốt. Nhưng em đặc biệt thích nhất là cây bàng được trồng ngay trước cửa lớp 5A của em. Em không biết cây bàng này được trồng từ khi nào. Nhưng từ ngày đầu tiên em cắp sách đến trường thì cây bàng đã đứng ở đó rồi. Nhìn từ xa, cây bàng trông như một chiếc ô xanh khổng lồ và mát rượi. Đến gần, cây đứng sừng sững, tỏa bóng che mát cả một khoảng sân trường rộng. Rễ cây bàng to, dài và đâm sâu xuống đất. Cũng có những rễ nổi lên mặt đất trông như những con rắn đang bò dọc bò ngang. Nhưng những con rắn này lại rất hiền lành, chẳng cắn ai bao giờ đâu nhé! Chúng chỉ sớm hôm thầm lặng, hút chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cây. Gốc cây nằm trọn trong chiếc bồn xinh xắn có hình tròn được bác thợ lề ốp gạch đỏ. Thân cây cao và to, đầy bướu và có nhiều vết sẹo. Xen giữa những vết sẹo là các vết mốc trắng giống như những bông hoa có các hình thù khác nhau. Từ thân cây mọc có nhiều cành con mọc ra. Các cành trưởng thành hơn đã vươn dài, vươn rộng ra để đón ánh nắng mặt trời. Từ các cành có nhiều lá xanh mọc lên. Lá bàng thường chuyển màu theo từng mùa. Mùa xuân, khi những cơn mưa xuân đến, hạt mua nhỏ mềm mại rơi xuống, đánh thức các mầm non trên cây thức dậy, cây bàng như có hàng nghìn ngọn nến trông rất lung linh mà lại kì ảo. Sang mùa hè, lá bàng chuyển sang màu xanh đậm, chúng đan kín vào nhau, làm cho những tia nắng xuyên biến thành màu ngọc bích. Từ ngày vào lớp 5, thấm thoắt đã hai tháng trôi qua, chúng tôi lo học hành rồi lâu lâu cũng lãng quên mất màu lá bàng. Giờ đây, khi cây bàng đã rụng gần hết quả thì cũng là lúc lá bàng không còn có màu xanh đẹp đẽ nữa mà đã chuyển sang một màu úa vàng, rồi sau đó nó chuyển sang màu đỏ, từng chiếc từng chiếc rụng rơi xuống đất. Cuối mùa đông, những chiếc lá cuối cùng rụng rơi xuống đất, chỉ còn mỗi cây đơn sơ, nhường chỗ cho các mầm non sắp chào đời. Cây bàng đối với lứa tuổi học trò chúng em chẳng khác nào người bạn thân thiết. Cây không chỉ tô thêm vẻ đẹp cho ngôi trường thân yêu, không chỉ mang lại bóng mát để học sinh vui đùa mà còn có rất nhiều lợi ích. Những buổi đến trường sớm, em thường ngồi ôn bài dưới gốc cây bàng. Mỗi giờ ra chơi, chúng em lại đùa giỡn dưới gốc bàng. Chúng em không sợ nắng vì đã có bóng của cây che nắng cho chúng em. Dưới bóng cây là nơi chứng kiến những trò chơi nghịch ngợm của học trò. Các bạn trai chơi trò đá bóng, chơi đuổi nhau, …Còn bọn con gái chúng em thì chơi nhảy dây, đọc truyện, đá cầu … Em yêu cây bàng nên em không bao giờ bẻ cành hay vặt lá của cây. Khi có người làm hại cây thì em đều ra ngăn lại. Em sẽ bảo vệ cây bàng để các bạn khác cũng có những kỉ niệm đẹp về cây bàng giống như em.

Bài 3: Tả cây đu đủ

Ngay ở giữa vườn nhà em, ba em có trồng một hàng năm cây đu đủ. Cây nọ cách cây kia khoảng hai mét. Những cây đu đủ này là giống đu đủ lùn, dễ sống và rất nhanh ra quả. Cây chỉ cao bằng đầu em. Thân cây có màu nâu mốc. Dấu tích của những cuống lá đã rụng hằn chi chít trên thân. Cuống lá đu đủ có một đoạn ống rỗng khá dài. Chúng em thường lấy cuống lá đu đủ rồi cắt ngắn độ gang tay, vót nhọn một đầu, làm kèn thổi nghe rất vui tai. Lá đu đủ khá to, hình dạng giống như một bàn tay người đang xoè rộng. Từ nách các cuống lá, những bông đu đủ có màu trắng ngà, to như ngón chân cái đang nhú ra. Quả đu đủ non nằm lọt thỏm giữa những cánh hoa. Trái đu đủ có màu xanh, lớn rất nhanh. Hàng chục trái lớn nhỏ đeo chi chít trên thân, san sát bên nhau xung quanh ngọn cây, trông rất thích! Đu đủ già sẽ được hái xuống để một vài ngày sẽ có màu vàng thẫm, có vị ngọt và thơm, có rất nhiều chất dinh dưỡng. Đu đủ là loại cây đã quá quen thuộc với con người, và rất dễ trồng. Em rất thích được cùng ba chăm sóc cho hàng cây đu đủ. Bài làm tả cây tre của bạn Nguyên Quang Huy lớp 4A trường tiểu học Quang Trung Quảng Ninh. Làng Vân Gia quê em nằm cách thị xã Sơn Tây chừng hai cây số. Từ xa nhìn lại, làng tôi giống như một hòn đảo xanh ngắt nổi bật giữa cánh đồng rộng mênh mông. Bao bọc xung quanh làng tôi là những luỹ tre xanh đã hàng trăm năm tuổi. Rễ tre, gốc tre và tay tre ken dày đặc. Bên cạnh những cây tre đã trưởng thành có chiều cao hàng chục mét, có đốt dài, to và màu xanh thẫm là những cây tre non mới có lá mỡ nàng, đoạn gần dưới gốc vẫn còn các bẹ ôm lấy thân. Nhỏ hơn nữa là nhiều mầm măng mới nhú lên đầu nhọn hoắt, cứng cáp và khoẻ mạnh, chúng xuyên đất cứng mà trồi lên. Họ nhà tre luôn sống đầm ấm bên nhau, đời này tiếp nối đời kia, tạo nên luỹ tre rộng. Tre bền bỉ, bất chấp giữa nắng mưa và bão tố. Trong cuộc sống của người nông dân trong làng, tre luôn luôn là một người bạn. Những ngôi nhà dựng bằng tre rất vững chãi mà lại thoáng mát. Bàn ghế bằng tre, giường tre, chõng tre, trạn bát, rổ rá bằng tre, nong nia, dần sàng,... tất cả đều được làm từ thân cây tre. Với tuổi thơ mỗi đứa trẻ trong làng, vào lớp Một là đã tập đếm số bằng que tính làm từ tre. Lớn hơn chút nữa thì chỉ chơi chuyền tre vót nhẵn dài bằng chiếc đũa và một quả bưởi non bé bằng nắm tay là được một trò chơi, bọn trẻ con có thể chơi với nhau cả buổi thật vui bên mái nhà hay trước sân đình. Các bạn trai thích chơi thẻ diều ngoài cánh đồng. Những chiếc diều làm từ khung tre rồi dán giấy, trên lưng có gắn chiếc sáo trúc, lúc bay lên cao sẽ phát ra những âm thanh vi vu vnghe rất vui tai, gợi khung cảnh một làng quê thanh bình, yên ả. Mỗi đêm trăng sáng, còn gì thú vị hơn là được nằm ngửa trên chiếc chõng tre đặt ngoài sân, những đứa trẻ con cứ mãi mê hát đếm. Em yêu lũy tre làng em, tuy mộc mạc, giản dị nhưng deo dai và cứng cáp. Cây tre đã gắn bó với dân tộc Việt Nam, gắn liền với tuổi thơ của những người lớn lên ở các vùng quê.