Trong lòng mẹ (trích Những ngày thơ ấu) (trang 20 Ngữ văn 8 tập 1)
Bố mất, mẹ phải đi tha phương cầu thực, bé Hồng phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình. Người cô luôn nói những câu nói cay độc để xoáy vào nỗi đau của cậu và nhằm chia cắt tình mẹ con. Nhưng cậu chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ mẹ. Rồi mẹ cậu cũng trở về, cậu nghẹn ngào và hạnh phúc khi được nằm trong vòng tay mẹ.
Bố cục:
- Phần 1: từ đầu... người ta hỏi đến chứ?: cuộc đối thoại giữa người cô với cậu bé Hồng.
- Phần 2: còn lại: cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con cậu bé Hồng.
Câu 1: Phân tích nhân vật bà cô:
- Tàn nhẫn, độc ác khi hỏi “mày có muốn vào Thanh Hóa không”, xoáy sâu vào nỗi đau và nỗi nhớ mẹ.
- Chế giễu, mỉa mai mẹ cậu bé Hồng nhằm chia rẽ tình cảm: “phát tài” (nói mỉa mai người mẹ nghèo khổ), “em bé” (gieo rắc nỗi hoài nghi để cậu bé Hồng khinh miệt và ruồng bỏ mẹ).
⇒ Bà cô giả dối, nham hiểm, sống một cách tàn nhẫn và không có lòng vị tha, đại diện cho những hủ tục, những thành kiến đã đày đọa người phụ nữ trong xã hội cũ.
Câu 2: Tình yêu thương mãnh liệt của cậu bé Hồng với người mẹ bất hạnh của mình:
- Khi nghe được những lời thâm độc, giả dối, xúc phạm mẹ mình: Hồng cúi đầu không đáp lại, tỉnh táo nhận ra “những rắp tâm xấu xa” của bà cô, nghe “em bé” thì khóc ròng vì quá thương mẹ, cảm thấy uất ức, lòng căm phẫn xã hội tăng tiến “...mà nhai, mà cắn, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.
- Khi gặp và nằm trong vòng tay mẹ: “Mợ ơi! ... ” là tiếng gọi tha thiết thể hiện sự khát khao tình mẹ, các hành động gấp gáp: đuổi theo, gọi bối rối, thở hồng hộc, trèo lên xe mà ríu cả chân, khóc vỡ òa. Trong lòng mẹ, cậu bé ngắm thật kĩ gương mặt mẹ, mơn man sung sướng “Tôi ngồi trên đệm xe... thơm tho lạ thường”.
⇒ Bé Hồng kính trọng, yêu thương và có niềm tin mãnh liệt về người mẹ của mình.
Câu 3*:
Văn Nguyên Hồng mang đậm chất trữ tình. Đối tượng được thể hiện là tình mẫu tử thiêng liêng, ở dòng cảm xúc có nhiều diễn biến đa dạng của bé Hồng (xót xa, tủi nhục, căm phẫn sâu sắc, sự quyết liệt, tình thương dành cho mẹ,... dồn nén và lên cao). Hơn nữa còn ở cách kể đầy cảm xúc, cách miêu tả và những so sánh ấn tượng giàu sức gợi.
Câu 4:
Hồi kí là một thể loại kí nhằm kể lại những sự việc đã diễn ra trong quá khứ mà người kể là người đã chứng kiến, đã tham gia, người viết là người xưng tôi.
Câu 5*:
Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng:
- Có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu cho những khổ đau, vất vả của những người phụ nữ sống dưới xã hội đầy những hủ tục khắt khe, người con trẻ với khát vọng tình yêu thương, nỗi đau cắn xé tinh thần.
- Nhà văn có sự cảm thông, am hiểu sâu sắc về thân phận người phụ nữ và trẻ nhỏ, có sự nắm bắt tâm lí và cá tính nhân vật qua lời văn ngọt ngào, giàu cảm xúc.
Bài trước: Tính thống nhất về chủ đề của văn bản (trang 12 ngữ văn 8 tập 1) Bài tiếp: Trường từ vựng (trang 21 Ngữ văn 8 tập 1)