Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận (trang 94 Ngữ văn 8)
Đề bài: "Sự bổ ích của những chuyến tham quan, du lịch đối với học sinh."
Dàn bài:
A. Mở bài: Nêu lợi ích của những chuyến tham quan.
B. Thân bài: Nêu các lợi ích một cách cụ thể.
1. Về thể chất, các chuyến tham quan du lịch đều giúp chúng ta thêm khoẻ mạnh.
2. Về tình cảm, các chuyến tham quan du lịch có ích cho chúng ta:
- Tìm thêm những niềm vui cho bản thân mình.
- Có thêm tình yêu với quê hương đất nước, với thiên nhiên.
3. Về mặt kiến thức, các chuyến tham quan du lịch có ích cho chúng ta:
- Hiểu một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn, sâu sắc hơn những điều đã được học trong trường lớp qua những điều tận mắt chứng kiến.
- Đưa lại nhiều bài học bổ ích có thể còn chưa có trong sách vở của nhà trường.
C. Kết bài: Khẳng định tác dụng của các hoạt động tham quan, du lịch.
II. Trả lời câu hỏi luyện tập trên lớp
Câu 1: Cách sắp xếp các luận điểm vẫn còn lộn xộn, chưa được hợp lí.
Sắp xếp theo trật tự: c - b - a - d - e.
Câu 2:
a. - Yếu tố biểu cảm trong đoạn văn: niềm hạnh phúc ngập tràn khi được đi bộ, niềm vui sướng.
- Cảm xúc ấy thể hiện tràn ngập trong đoạn văn, giọng điệu vui tươi, phấn chấn, hồ hởi, những từ ngữ biểu cảm, ...
b. Đoạn văn mẫu:
"Không chỉ tăng cường sức mạnh về thể chất, những chuyến tham quan, du lịch còn mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui sướng trong tinh thần. Chắc các bạn vẫn còn nhớ lần cả lớp mình cùng nhau đến thăm quan vịnh Hạ Long. Hôm ấy, không ai trong chúng ta có thể kìm nổi một tiếng reo, sau một chặng đường dài với lòng háo hức, chợt thấy trước mắt mình là cả một cảnh nước non mênh mông, trời biển trong xanh, kì thú. Tôi nhớ hôm trước bạn Ngọc Mai còn đang buồn vì bị cô giáo phê bình. Tôi để ý thấy Ngọc Mai vẫn lặng lẽ, nhưng nét mặt của bạn ấy cứ rạng rỡ dần lên theo cảnh non xanh nước biếc. Nỗi buồn kia của Ngọc Mai cũng tan đi hẳn, như có một phép màu kì lạ. Niềm vui sướng ấy không thể nào có được khi chúng ta chisuốt năm chỉ quanh quẩn trong căn nhà, nơi góc phố hay trên các con đường mòn quen thuộc? ".
Câu 3:
- Luận điểm chính: tình cảm tha thiết của nhà thơ Việt Nam đối với cảnh thiên nhiên qua Khi con tu hú của Tố Hữu, Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, Quê hương của Tế Hanh...
- Hệ thống luận điểm:
+ Đó là cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng và thấm đẫm tình người.
+ Đó là cảnh thiên nhiên gần gũi và gắn liền với khao khát tự do.
+ Đó là cảnh thiên nhiên gắn liền với tình yêu và nỗi nhớ làng biển quê hương.
- Yếu tố biểu cảm: Chia sẻ, kính yêu, đồng cảm, khâm phục, cùng nhớ nhung, cùng bồn chồn, cùng bâng khuâng, ...
- Đưa các yếu tố biểu cảm vào cả 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
Bài làm tham khảo:
Mỗi bài thơ như một dòng tâm sự của chính nhà thơ, là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp được cảm nhận thông qua cặp mắt tươi non và mỗi bức tranh như một nét chấm phá riêng, nhưng luôn bộc lộ được tình cảm đối với cảnh đẹp thiên nhiên của tác giả, và đặc biệt hơn là tình cảm đối với quê hương vô cùng sâu đậm đã ẩn chứa trong mỗi tác phẩm, qua các hình ảnh thiên nhiên.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. (Cảnh khuya)
Anh trăng, tiếng suối, bóng lồng hoa, ngập tràn trong thơ của Hồ Chí Minh là những hình ảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, cảm nhận thông qua con mắt của một con người lạc quan, và ẩn sau đó là một tấm lòng yêu nước: "Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".
"Muốn đạp tan phòng hè ôi" - Người tù cách mạng muốn được giải thoát khỏi cảnh tù túng để đến với tự do, muốn được sống để cống hiến, để chiến đấu vì hòa bình Tổ Quốc, bởi cảnh tù túng ngột ngạt, nhưng đâu chỉ có riêng cái cảm giác ngột ngạt muốn đạp tan phòng, trước đó là một tâm hồn yêu thiên nhiên và mượn tiếng tu hú để nói lên lên nỗi lòng chính mình - người chiến sĩ cách mạng.
Và nổi bật là chất muối nồng mặn trong từng câu thơ của Quê Hương - Tế Hanh yêu quê, nhớ tới từng hình ảnh con người nơi biển chất phác, tình cảm quê hương đã thấm đẫm trong lòng nhà thơ, và giờ đây ta có thể cảm nhận được sự vương vấn đâu đây trong thơ của Tế Hanh, đó là chất muối mặn nồng tình người của dân chài vùng biển.
Luôn là cảnh thiên nhiên, và luôn là tình yêu đối với quê hương đất nước - đó chính là chủ đề luôn mới trong mỗi bài thơ được viết nên.
Bài trước: Hội thoại (tiếp theo) (trang 92 Ngữ văn 8) Bài tiếp: Lựa chọn trật tự từ trong câu (Soạn văn 8)