Cô bé bán diêm (trang 68 Ngữ văn 8 tập 1)
Đêm giao thừa, trời rét buốt. Một cô bé bán diêm nghèo khổ, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất, ôm cái bụng đói dò dẫm đi trong bóng tối. Em không dám về khi chưa bán được que diêm nào vì sợ bị bố đánh. Em ngồi nép vào một góc tường, lấy một que diêm ra quẹt để sưởi ấm. Quẹt que diêm thứ nhất, em tưởng như mình đang ngồi trước lò sưởi, vừa duỗi chân ra để sưởi thì que diêm vụt tắt. Quẹt que diêm thứ hai, em thấy một bàn ăn thịnh soạn... và rồi diêm cũng vụt tắt. Quẹt que diêm thứ ba, em trông thấy cây thông Nô-en, em giơ tay về phía cây... diêm vụt tắt. Quẹt que diêm thứ tư, thật kì diệu, em đã nhìn thấy người bà hiền hậu của mình, nhưng bà đã mất từ lâu. Rồi que diêm vụt tắt, em muốn níu giữ hình ảnh của bà nên đã quẹt hết cả bao diêm. Rồi em thấy mình cùng bà bay lên cao. Sáng hôm sau, người ta đi ngang qua thấy một cô bé bán diêm đã chết vì giá rét, má cô bé vẫn hồng và đôi môi vẫn mỉm cười.
Bố cục:
- Phần 1: từ đầu... cứng đờ ra: cô bé bán diêm dò dẫm tìm đường trong đêm giao thừa.
- Phần 2: tiếp...chầu thượng đế: Thực tế và mộng ảo.
- Phần 3: còn lại: cái chết thương tâm của cô bé bán diêm.
Câu 1:
Chia phần 2 của văn bản thành các đoạn nhỏ dựa trên từng lần quẹt diêm:
- Lần 1: hiện lên chiếc lò sưởi.
- Lần 2: hiện lên bàn ăn có nhiều đồ ăn.
- Lần 3: hiện lên cây thông Nô-en.
- Lần 4: em được gặp người bà hiền hậu của mình.
Câu 2:
- Gia cảnh: cô bé bán diêm mồ côi mẹ, nhà nghèo, bà nội đã mất, em sống với người bố hay đánh đập và mắng nhiếc em.
- Thời gian: đêm giao thừa. Không gian: mọi nhà đã lên đèn, ngỗng quay, ngoài đường tối tăm và lạnh lẽo.
* Những hình ảnh tương phản được tác giả sử dụng để khắc hạ nỗi khổ cực của cô bé:
- Ngôi nhà đẹp đẽ em sống trước đây> < xó tối tăm trên gác sát mái của căn nhà.
- Mọi nhà rực rỡ ánh đèn, mùi ngỗng quay > < em bé dò dẫm trong đêm tối, đói rét.
Câu 3:
Những mộng tưởng của cô bé bán diêm qua những lần quẹt diêm diễn ra theo trật tự hợp lí, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và tâm lí của em bé: Lạnh (lò sưởi) → đói (bàn ăn thịnh soạn) → điều ước đêm giao thừa (cây thông Nô-en) → cô đơn và khổ cực (nhớ tới người bà hiền hậu). Trong đó, có điều ước thứ 4 (em gặp bà) thuần túy chỉ là mộng tưởng.
Câu 4:
- Truyện Cô bé bán diêm mang tính nhân đạo sâu sắc đã phản ánh những mảnh đời bất hạnh.
- Đoạn kết của truyện:
+ Là một bi kịch đầy đau thương, cái chết của một cô bé trong sự cô đơn giá lạnh, trong cái đói rét trong đêm giao thừa, một cái chết đầy thương tâm và xót xa.
+ Nhìn một mặt khác, “đôi má hồng và đôi môi vẫn đang mỉm cười” , cái chết mang đến sự giải thoát, em cùng bà bay về chầu Thượng đế, em cùng người bà hiền hậu độc nhất đi vào cõi bất tử.
Bài trước: Trả bài tập làm văn số 1 (trang 67 Ngữ văn 8 tập 1) Bài tiếp: Trợ từ, thán từ (trang 69 Ngữ văn 8 tập 1)