Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếp theo) (trang 20 sgk Ngữ văn 10 tập 1)
Câu 1:
Bài ca dao:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:
- Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
a. Nhân vật giao tiếp trong bài ca dao ở trên là một cô gái và một anh chàng, có tuổi còn trẻ.
b. Thời điểm: “Đêm trăng thanh”. Đây là thời điểm phù hợp và lí tưởng cho cuộc chuyện trò và giải bày tâm tình của các đôi nam nữ.
c. Nhân vật “anh” nói về nội dung là:
+ Nói về việc "Tre non đủ lá" sử dụng để "đan sàng": Đây chỉ là lời mở đầu, dẫn dắt để ngỏ ý với cô gái.
+ Mục đích: gạn hỏi, tỏ tình (lời nói có ý nghĩa hàm ẩn: cả hai người đã trưởng thành, đã đủ khôn lớn, có nên suy tính đến chuyện kết đôi hay chưa? ).
d. Mục đích giao tiếp của chàng trai trong giao tiếp là giao duyên, tỏ tình. Với cách nói rất lịch sự, tế nhị và nhẹ nhàng, chàng trai đã đưa được những thông tin cần thiết, phù hợp với đối tượng đó là cô gái mà anh có tình cảm.
Vì thế, cách nói của chàng trai rất phù hợp với nội dung và phù hợp với mục đích giao tiếp.
Câu 2:
a. Những hành động nói cụ thể trong cuộc giao tiếp: Chào, thưa, nói
Mục đích: Chào hỏi và trao đổi thông tin.
b. Cả 3 câu mà ông già nói đều có hình thức của câu hỏi, nhưng mục đích giao tiếp riêng của từng câu hỏi lại khác nhau:
+ Câu “A Cổ hả? ” có mục đích là lời chào hỏi khi nhìn thấy và nhận ra A Cổ.
+ Câu “Lớn tướng rồi nhỉ? ” mục đích giao tiếp là một lời khen, bày tỏ sự ngỡ ngàng, vui mừng khi nhìn thấy A Cổ lớn hơn rất nhiều, thế nên A Cổ không cần trả lời.
+ Câu “Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không? ” là kiểu câu hỏi, cần thiết có câu trả lời.
c. Lời nói của các nhân vật đã thể hiện thái độ, quan hệ và tình cảm trong giao tiếp:
+ Thái độ cởi mở, gần gũi.
+ Tình cảm giữa 2 người rất tin tưởng nhau, thân mật với nhau. Ông yêu quý A Cổ, còn A Cổ cũng rất kính trọng ông (bộc lộ qua lời nói “cháu chào ông ạ”, “có ạ”)
+ Quan hệ: 2 người khác nhau về tuổi tác nhưng có mối quan hệ gần gũi, thân thiết như những thành viên trong cùng gia đình.
Câu 3:
a, - Khi làm bài thơ “Bánh trôi nước” tác giả Hồ Xuân Hương đã "giao tiếp" với gộc giả về vấn đề: Thân phận người phụ nữ sống dưới xã hội phong kiến xưa nói chung và hoàn cảnh của bản thân tác giả nói riêng.
- Mục đích:
+ Trình bày thân phận của người phụ nữ trong chế độ xã hội phong kiến xưa.
+ Khẳng định nhân cách, phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ, không vì hoàn cảnh sống mà đánh mất đi phẩm chất tốt đẹp và sự son sắt của mình.
- Hồ Xuân Hương đã sử dụng hình tượng chiếc bánh trôi nước để làm phương tiện thể hiện điều đó.
b. Người đọc căn cứ vào thân phận của chính nhà thơ Hồ Xuân Hương - một người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp nhưng gặp nhiều trái ngang trong đường tình duyên và những chi tiết sâu sắc trong bài thơ để lĩnh hội.
Những từ ngữ, hình ảnh cụ thể để giúp người đọc có thể lĩnh hội sâu sắc được nội dung bài thơ:
+ Từ "trắng", "tròn": chỉ vẻ đẹp về hình thể với thân hình đầy đặn, làn da trắng, xinh xắn, có tâm hồn nhân hậu, trong trắng, hiền hoà
+ Cụm từ "7 nổi 3 chìm": số phận vất vả, long đong, lận đận.
+ Cụm từ "tấm lòng son": khẳng định việc giữ trọn vẹn sự son sắc, phẩm giá, đức hạnh và phẩm chất cao đẹp.
Câu 4:
Thông báo
Nhân ngày Môi trường thế giới, trường THPT..... tổ chức ngày tổng dọn vệ sinh toàn trường:
- Nội dung công việc: Quét dọn rác thải, chăm sóc cây xanh, nhổ cỏ trong các bồn cây trong khuôn viên nhà trường.
- Thời gian: từ 7h00p sáng, ngày... tháng... năm...
- Đối tượng tham gia: toàn thể giáo viên và học sinh của trường.
- Kế hoạch buổi lao động: Các chi đoàn cử đại diện nhận phân công công việc cụ thể tại văn phòng Đoàn trường.
Khi đi, mỗi học sinh cần phải mang theo loại dụng cụ như đã phân công.
Nhà trường đề nghị toàn thể học sinh cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và tham gia buổi lao động một cách tích cực để hưởng ứng tốt phong trào.
... , ngày... tháng... năm...
Ban Giám hiệu trường THPT.....
Câu 5:
Các nhân tố giao tiếp thông qua bức thư của Hồ Chí Minh:
a. Nhân vật giao tiếp:
Ai viết thư? → Bác Hồ, với tư cách là lãnh đạo, là Chủ tịch nước.
Thư viết cho ai → Học sinh trên toàn đất nước Việt Nam – những chủ nhân trong tương lai của nước Việt Nam độc lập.
b. Hoàn cảnh giao tiếp:
Năm 1945, khi đất nước Việt Nam vừa mới giành được độc lập, Bác Hồ đã viết bức thư gửi tới các cháu học sinh nhân dịp khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
c. Vấn đề (nội dung) giao tiếp:
+ Bác Hồ đã bày tỏ niềm vui của mình khi thế hệ học sinh đã có được cơ hội hưởng nền độc lập và được "nhận nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".
+ Bác cũng nhắc nhở các cháu học sinh về trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi em đối với việc bảo vệ và góp phần xây dựng đất nước.
+ Lời chúc mừng của Hồ Chí Minh đã gửi tới toàn thể học sinh.
d. Mục đích giao tiếp:
+ Chúc mừng các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập
+ Nhắc nhở học sinh ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm đối với đất nước, niềm mong mỏi của Bác Hồ đối với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
e. Cách viết thư: lời lẽ gần gũi, chân tình nhưng cũng rất cứng rắn, nghiêm túc xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của học sinh.
Bài trước: Khái quát văn học dân gian Việt Nam (trang 19 sgk Ngữ văn 10 tập 1) Bài tiếp: Văn bản (trang 24 sgk Ngữ văn 10 tập 1)