Soạn bài: Viếng lăng bác (trang 60 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2)
Bố cục của bài thơ:
- Khổ 1: Cảnh bên ngoài lăng buổi sáng sớm
- Khổ 2: Cảnh đoàn người xếp hàng viếng lăng Bác
- Khổ 3: Cảm xúc của nhà thơ khi ở trong lăng Bác
- Khổ 4: Ước nguyện khi về miền Nam
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 60 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
- Cảm xúc bao trùm của tác giả được thể hiện trong bài đó là: niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn xót xa khi vào viếng lăng Bác.
- Mạch cảm xúc đi theo trình tự vào viếng lăng Bác: Từ bên ngoài vào trong lăng viếng Bác đến lúc ra về với diễn biến tâm trạng khắc khoải của tác giả.
Câu 2 (trang 60):
- Hình ảnh hàng tre bên lăng Bác ở khổ thơ đầu được miêu tả với màu xanh tươi bát ngát, với hình dáng thẳng biểu tượng cho con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, dũng cảm
- Cây tre trong câu thơ cuối bài thể hiện sự lưu luyến, thiết tha muốn lòng mình được ở mãi bên Bác, canh gác và hát ru cho Bác ngủ.
Câu 3 (trang 60): Tình cảm nhà thơ và mọi người đối với Bác được thể hiện qua khổ thơ 2,3,4 đó là:
- Lòng thành kính từ xa đến viếng lăng Bác
- Hình ảnh ẩn dụ “Mặt trời trong lăng”: Bác luôn là ánh sáng mặt trời soi đường chỉ lối cho người dân Việt Nam, luôn mang lại sự ấm áp, tốt tươi cho con người và vạn vật. Qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả về vị cha già kính yêu của dân tộc.
- Nỗi nhớ thương, xót xa vô hạn về sự mất mát của con dân Việt Nam trước sự ra đi của Bác.
- Khổ cuối diễn tả chân thành, mộc mạc tình cảm của nhà thơ. Qua mỗi câu thơ tác giả bày tỏ niềm mong mỏi, muốn hóa thân thành những bông hoa, con chim, cây tre để tâm hồn được ở mãi bên cạnh Bác.
Câu 4 (trang 60): Sự thống nhất giữa nội dung, tình cảm, cảm xúc và các yêu tố nghệ thuật của bài thơ như sau:
- Giọng điệu trang nghiêm, đau xót, tự hào thể hiện đúng cảm xúc tác giả
- Nhịp điệu chậm, thành kính, lắng đọng, khổ cuối nhanh thể hiện sự lưu luyến, thiết tha.
- Hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ gần gũi, quen thuộc, giản dị giàu sức biểu cảm.
Luyện tập
Câu 1 (trang 60): Học sinh học thuộc lòng bài thơ.
Câu 2 (trang 60): Viết một đoạn văn bình khổ 2 hoặc 3 của bài thơ.
Đoạn văn tham khảo như sau:
Nhà thơ rất tài tình khi xây dựng 4 câu thơ thành 2 cặp câu có cấu trúc tương ứng. Ở cặp câu trên, nhà thơ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ. Hình ảnh mặt trời được ẩn dụ nói đến Bác, để ca ngợi tôn vinh Người. Nếu mặt trời của thiên nhiên mạng đến sự sống cho muôn loài thì Bác là vị cứu tinh của nhân dân Việt Nam, đưa nhân dân thoát khỏi nô lệ, có được cuộc sống hòa bình, ấm no ngày hôm nay. Cặp câu dưới nhà thơ sử dụng phép điệp ngữ để nhấn mạnh dòng người vào lăng viếng Bác. Dòng người nối nhau dài tưởng như không bao giờ đứt đoạn. Cùng với đó nhà thơ tạo nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp " kết tràng hoa dâng", "bảy mươi chín mùa xuân". Dòng người vào lăng viếng Bác và ra liên tục khiến cho nhà thơ liên tưởng đến tràng hoa mà cả dân tộc đang kính dâng lên Bác. Cuộc đời của Bác đã dành trọn vẹn 79 tuổi đời cho dân cho nước nên cuộc đời ấy, 79 tuổi đời ấy đẹp như mùa xuân. Khổ thơ này nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện sâu sắc tấm lòng thành kính của dân tộc ta đối với công lao của Bác.
Bài trước: Soạn bài: Mùa xuân nho nhỏ (trang 57 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2) Bài tiếp: Soạn bài: Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) (trang 63 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2)