Soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)
Câu 1 (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Bố cục của bài thơ được cho thành 3 phần:
- Phần 1 (2 khổ đầu): Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi
- Phần 2 (4 khổ thơ tiếp): Cảnh đánh bắt cá trong đêm
- Phần 3 (Khổ thơ cuối): Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về
* Cảnh thời gian được miêu tả trong bài thơ đó là: Từ hoàng hôn, đến đêm, đến rạng sáng.
* Không gian: rộng mênh mông của biển Hạ Long.
Câu 2 (trang 142):
* Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian biển rộng lớn
- Bằng những biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, nhà thơ Huy Cận đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên, vũ trụ: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng.... Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Câu 3 (trang 142):
* Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Phân tích hình ảnh sau:
- Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi dưới khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, tráng lệ. “Mặt trời xuống biển như hòn lửa – Sóng đã cài then đêm sập cửa”. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và nhân hóa để làm cho cảnh hoàng hôn trên biển trở nên lung linh hơn, có hồn và sắc thái hơn. Trên nền không gian ấy là hình ảnh đoàn thuyến lái gió ra khơi với những câu hát ru của gió rít bên cánh buồm.
- Hình ảnh con thuyền và người dân lao động được thể hiện trong khổ thơ:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
....
Dàn đan thế trận lưới vây giăng” cho thấy sự mạnh mẽ của con thuyền và con người. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa làm cho con thuyền giống như con người, có hành động và trạng thái. Hành động này có được nhờ sự điều khiển điêu luyện, khỏe mạnh của con người. Con người hiện lên tràn đầy kinh nghiệm trong công việc đánh bắt cá.
Câu 4 (trang 142): Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca ca ngợi lao động hăng say với tinh thần làm chủ thiên nhiên.
- Nhà thơ thay lời những người lao động để viết lên khúc ca này
- Giọng điệu của bài thơ nhanh, dứt khoát, dõng dạc tạo âm hưởng hào sảng, vui tươi, mạnh mẽ. Các câu thơ, khổ thơ vần với nhau tạo ra âm hưởng vang vọng, vươn xa.
Câu 5 (trang 142):
Qua những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em thấy tác giả Huy Cận có cái nhìn tươi mới và tràn đầy sức sống trước thiên nhiên và người dân lao động. Thiên nhiên dưới cái nhìn của ông bao giờ cũng huy hoàng, nguy nga, tráng lệ, giàu đẹp và tràn đầy sức sống, sự vận động. Con người lao động trong công việc lao động sản xuất bao giờ cũng luôn là người làm chủ, mạnh mẽ, rắn rỏi, quyết liệt và tràn đầy kinh nghiệm.
Luyện tập
*Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ:
Khổ thơ đầu của bài thơ là bức tranh về đoàn thuyền đánh cá lúc giăng buồm ra khơi. Hai câu thơ đầu của khổ thơ miêu tả không gian, thời gian trong thời điểm ấy.
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa", không gian bước vào buổi chiều tà, lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Thời gian tiến dần về đêm, bóng đêm bao phủ cả không gian. Ở câu thơ thứ hai "sóng đã cài then, đêm sập cửa". Nhà thơ miêu tả không gian, thời gian trong cái nhìn nhân hóa, mọi sự vật hiện tượng hiện lên sinh động, có hồn, như những sinh thể mang sự sống đang đắm mình vào màn đêm của thiên nhiên.
Hai câu thơ sau miêu tả hình ảnh đoàn thuyền ra khơi. Tiếng hát của những con người lao động hòa vào với gió của đất trời, thổi căng cánh buồm của sự sống, của niềm hăng say lao động. Nhà thơ Huy Cận đã sử dụng hình ảnh rất độc đáo được thể hiện qua câu thơ:
"Câu hát căng buồm cùng gió khơi".
Câu hát được sử dụng như một phép hoán dụ, đó là hình ảnh của những người dân lao động hăng say với công việc, là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên của họ. Khổ thơ đầu không chỉ là bức tranh đoàn thuyền đánh cá ra khơi mà còn thể hiện sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên đất nước.
Bài trước: Soạn bài: Nghị luận trong văn bản tự sự (trang 137 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Bếp lửa (trang 145 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)