Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (siêu ngắn) > Soạn bài: Bàn về đọc sách (trang 6 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2)

Soạn bài: Bàn về đọc sách (trang 6 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2)

Bố cục của bài văn gồm 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến nhằm phát hiện thế giới mới: Tầm quan trọng, ý nghĩa cần thiết của việc đọc sách.

- Phần 2: Từ Lịch sử càng tiến lên đến tự tiêu nhiều lực lượng: Việc đọc sách trong tình hình hiện nay dễ gặp các khó khăn, các nguy hại nào.

- Phần 3: Phương pháp đọc sách: cách lựa chọn sách để đọc và cách đọc để có hiệu quả

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 6 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Vấn đề nghị luận của văn bản là:

- Tầm quan trọng, ý nghĩa cần thiết của việc đọc sách.

- Việc đọc sách trong tình hình hiện nay dễ gặp các khó khăn, các nguy hại nào.

- Phương pháp đọc sách: cách lựa chọn sách để đọc và cách đọc để có hiệu quả

Nhà văn đã đưa ra vấn đề nghị luận một cách lần lượt có thứ tự, từ vai trò, đến tác hại của việc chọn và đọc sách, cuối cùng là phương pháp đọc sách hiệu quả.

Câu 2 (trang 6): Tầm quan trọng của sách:

- Sách có vai trò quan trọng với con đường phát triển của nhân loại.

- Sách đã ghi chép, lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà nhân loại đã tìm tòi, tích lũy được qua từng giai đoạn, từng thời kì.

- Sách là kho tàng quý báu lưu giữ di sản tinh thần của nhân loại suốt mấy nghìn năm nay.

- Đọc sách là một con đường gom góp, tích lũy nâng cao vốn tri thức hiểu biết của con người, là cách tốt nhất để tiếp nhận kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống.

- Đọc sách còn là sự chuẩn bị hành trang để tiến hành cuộc rèn luyện lâu dài trên đường học vấn, tích lũy tri thức nhằm khám phá và chinh phục thế giới quanh ta

Câu 3 (trang 6):

Muốn tích lũy học vấn, đọc sách có hiệu quả, trước tiên cần biết chọn lựa sách mà đọc bởi vì:

- Đọc sách nhiều khiến người ta “ăn tươi nuốt sống” không kịp “tiêu hóa”, không biết nghiền ngẫm và cũng không chuyên sâu.

- Có nhiều sách khiến người đọc khó chọn lựa, nhất là dễ lãng phí thời gian và sức lực vào những quyển sách vô bổ, những quyển sách không thực sự hữu ích.

Các cách chọn sách mà tác giả đưa ra như sau:

- Không nên tham đọc nhiều, đọc lung tung mà đọc phải chọn cho tinh.

- Cần đọc kĩ, hiểu sâu các cuốn sách, tài liệu cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình.

- Trong khi đọc các tài liệu chuyên sâu cũng lưu ý là không được quên đọc các loại sách phổ thông, thường thức, loại sách ở các lĩnh vực kề cận, gần gũi.

Câu 4 (trang 7): Phương pháp đọc sách mà nhà văn đã nêu ra là:

- Không nên đọc lướt qua, đọc chỉ để trang trí bộ mặt, mà phải vừa đọc vừa suy ngẫm.

- Không nên đọc một cách tràn lan, tùy hứng mà cần phải đọc có kế hoạch và có hệ thống

- Đọc sách không chỉ là việc học tập, tích lũy tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, là chuyện học làm người.

Câu 5 (trang 7): Những yếu tố cơ bản khiến cho bài văn có sức thuyết phục cao đó là:

- Cách trình bày của nhà văn từ nội dung đến hình thức nghệ thuật đều thấu tình đạt lí.

- Các nhận định, ý kiến mà tác giả đã đưa ra đều xác đáng, hợp lẽ.

- Bài văn có một bố cục chặt chẽ hợp lí, mọi ý tưởng được dắt dẫn tự nhiên đúng lẽ.

- Cách viết của nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh, nhiều cách ví von vừa cụ thể vừa thú vị...

Luyện tập

Điều em thấm thía nhất khi học bài “Bàn về đọc sách” của nhà văn Chu Quang Tiềm đã giúp em nhận ra ý nghĩa, giá trị của việc đọc sách trong quá trình tích lũy và nâng cao học vấn của con người. Đọc sách không phải là đọc cho nhiều mà đọc để lấy cái cốt lõi. Theo đó cũng nên biết chọn sách mà đọc. Từ đó em có thể nhìn nhận lại cách đọc sách của mình và phát huy cách đọc đúng, hiệu quả cao.