Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (siêu ngắn) > Soạn bài: Ánh trăng (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)

Soạn bài: Ánh trăng (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)

Bố cục của bài thơ gồm 3 phần:

- Phần 1 (3 khổ đầu): Quan hệ giữa nhà thơ với vầng trăng

- Phần 2 (khổ 4): Nhà thơ tình cờ gặp gỡ lại vầng trăng

- Phần 3 (2 khổ cuối): Cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ

Soạn bài

Câu 1 (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

- Nhận xét về bố cục của bài thơ: Bài thơ diễn ra theo trình tự thời gian, sự việc nào diễn ra trước kể trước, sự việc nào diễn ra sau kể sau.

- Bước ngoặt để nhà thơ bộc lộ cảm xúc nằm ở khổ thơ thứ 4, đó là khi nhà thơ tình cờ gặp lại vầng trăng trong một đêm mất điện.

Câu 2 (trang 157):

Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa cụ thể như sau:

- Trăng là tri kỉ: gắn bó với nhà thơ từ những ngày thơ dại đến những ngày ở chiến khu

- Trăng là biểu tượng cho tình nghĩa, cho tình cảm gắn bó.

- Trăng là biểu tượng cho sự lãng quên, bội bạc của con người

Khổ thơ thể hiện tập trung nhất chiều sâu tư tưởng và triết lí của bài thơ đó chính là khổ thơ cuối “Trăng cứ tròn vành vạnh... Đủ cho ta giật mình”. Qua bao nhiêu đổi thay, hình ảnh vầng trăng vẫn vậy, vẫn đong đầy tình cảm, vẫn chí tình chí nghĩa với con người. Nhưng qua sự chuyển vần của cuộc đời con người đã lãng quên cái vầng trăng tình nghĩa ấy. Ánh trăng ở cuối khổ thơ như muốn nhắc nhở con người về quá khứ thiêng liêng, về sự bội bạc.

Câu 3 (trang 157):

Nhận xét về kết cấu bài thơ: Kết cấu của bài dựa theo sự phát triển của thời gian. Cùng qua một đoạn thời gian giống nhau. Vầng trăng thì tình nghĩa, con người thì lãng quên. Nhà thơ như muốn tự nhắc nhở bản thân mình về những năm tháng gian lao đã gắn bó với thiên nhiên, đất nước.

Bài thơ mang âm hưởng nhẹ nhàng, như một lời nhắc nhở dịu êm, khi thì trầm tư sâu lắng khi thì giật mình tỉnh ngộ.

Câu 4 (trang 157):

- Xác định thời điểm ra đời của bài thơ “Ánh trăng”: Bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến chống Mĩ thắng lợi, nước ta được hoàn toàn thống nhất.

- Như vậy qua bài thơ nhà thơ Nguyễn Duy muốn nhắc nhở người đọc thấm thía về thái độ sống của con người sau hòa bình. Con người phải biết ơn, trân trọng những gì mình có được ngày hôm nay. Không được lãng quên quá khứ, sống hưởng thụ trong tương lai. Đây chính là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Luyện tập

* Tưởng tượng mình là nhân vật trữ tình trong “Ánh trăng” để diễn tả dòng cảm nghĩ trong bài thơ thành một bài tâm sự ngắn.

Bài văn tham khảo như sau:

Những tháng năm gian khổ khó nhọc của tuổi thơ, của những năm chiến tranh, ánh trăng đối với tôi như người bạn tri kỉ. Tôi và trăng gắn bó với nhau, hồn nhiên, tình nghĩa. Nhưng kể từ khi về với cuộc sống hòa bình, êm đềm ở thành phố, ánh điện đường rồi cả ánh điện của những nhà cao tầng sáng trưng đã khiến tôi quên mất vầng trăng từng gắn bó với mình. Trăng ngày ngày đi qua trước ngõ, nhưng tôi không mảy may chú ý. Rồi bất chợt một lần, tất cả những ánh điện nhân tạo sáng trưng kia vụt tắt, ánh sáng của trăng vẫn vằng vặc, soi chiếu xuống mặt đất. Tôi ngước lên nhìn nó, mới chợt nhận ra, lâu nay mình đã bỏ quên chính quá khứ của mình, lãng quên chính những tháng ngày gian khổ nhưng ăm ắp chứa chan tình cảm trước kia. Cuộc sống hiện đại đã khiến tôi quên mất những giá trị đẹp đẽ, vĩnh hằng trong cuộc sống của mình. Ánh trăng vẫn soi sáng như thế, khiến tôi giật mình bởi chính sự vô tình của mình.