Soạn bài: Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kì mạn lục) (trang 51 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)
Bố cục: gồm 3 phần
- Phần 1: Từ đầu... cha mẹ đẻ mình: Cuộc sống của Vũ Nương khi lấy Trương Sinh
- Phần 2: Qua năm sau... trót đã qua rồi: Câu chuyện oan khuất của Vũ Nương
- Phần 3: Còn lại: Vũ Nương được giải oan
Tóm tắt nội dung chính của truyện:
Vũ Thị Thiết là người con gái xinh đẹp ngoan hiền, nết na. Nàng lấy Trương Sinh làm chồng. Hạnh phúc không được bao lâu thì chàng bị bắt đi lính. Chồng vừa đi đầy tuần thì nàng sinh con. Bà mẹ vì nhớ con mà dần sinh ốm rồi chết. Vũ Nương chăm sóc và lo việc ma chay như đối với cha mẹ đẻ của nàng. Năm sau Trương Sinh trở về nhưng chỉ vì câu nói ngây thơ của đứa con mà nghi ngờ đức hạnh của vợ. Vũ Nương đã gieo mình xuống sông để tỏ lòng trong sạch. Vũ Nương được Linh Phi cứu giúp cho ở lại cung điện dưới nước. Một hôm, chàng ngồi bên đèn dầu, đứa con chỉ vào cái bóng trên tường nhận làm cha. Trương Sinh mới nhận ra mình đã nghi oan cho vợ.
Phan Lang là người cùng làng do một lần cứu giúp Linh Phi được Linh Phi báo ân. Phan Lang gặp Vũ Nương dưới cung điện. Vũ Nương nói rõ sự tình cho Phan Lang nghe. Phan Lang về kể lại sự tình cho Trương Sinh biết. Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương. Vũ Nương được giải oan nhưng không trở về nhân gian.
Hướng dẫn soạn bài:
Câu 1 (trang 51 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Bố cục của truyện gồm 3 phần (chi tiết được trình bày ở trên).
Câu 2 (trang 51): Nhân vật Vũ Nương được miêu tả qua những hoàn cảnh cụ thể như sau:
- Khi lấy Trương Sinh: nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa → Người phụ nữ ngoan hiền, tư dung tốt đẹp
- Khi chồng đi lính: nàng hết lòng chăm lo cho mẹ chồng lúc ốm đau, nuôi dạy con thơ nên người. Lo việc ma chay chu đáo như đối với cha mẹ mình → Người phụ nữ đảm đang, chịu khó, đức hạnh.
- Khi bị chồng vu oan: nàng đã gieo mình xuống sông để tỏ tấm lòng đức hạnh của mình → Người phụ nữ gan dạ, thủy chung, coi trọng danh dự, đức hạnh của một người phụ nữ.
Câu 3 (trang 51):
- Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất bởi vì đứa con không nhận cha đẻ của mình mà nhận người khác làm cha mình. Khi đó người chồng lại không tin tưởng vợ mà còn có tính đa nghi, hay ghen tuông. Nên đã không kịp nghe nàng giải thích mà nghi oan luôn cho vợ.
- Từ đó cho thấy, số phận của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến thật nhỏ nhoi, bấp bênh và vô cùng bất hạnh. Họ không được coi trọng, bảo vệ mà luôn phải chịu sự bất công, thiệt thòi.
Câu 4 (trang 51):
- Nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện: Cách dẫn dắt tình huống truyện rất tự nhiên, logic, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Những đoạn đối thoại của nhân vật được đặt rất đúng chỗ. Đặc biệt trong những lời đối thoại có sử dụng những điển cố, điển tích càng làm tăng tính chất li kì của câu chuyện. Những nút thắt trong truyện để đẩy câu chuyện lên cao trào cũng vô cùng hợp lí. Kết thúc truyện để lại nhiều dư âm cho người đọc.
Câu 5 (trang 51):
- Những yếu tố kì ảo mà tác giả sử dụng trong truyện là:
+ Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
+ Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương, người cùng làng đã chết, rồi được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương thế;
+ Hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn tràng giải nỗi oan cho nàng ở bến Hoàng Giang lung linh, huyền ảo, rồi bỗng chốc “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần rồi biến đi mất”.