Soạn bài: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (trang 30 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2)
Bố cục của văn bản gồm 3 phần:
- Phần 1 (từ đầu... sâu rộng hơn nhiều): Nêu ra nguyên nhân cần chuẩn bị hành trang và vai trò của con người trong thiên nhiên kỉ mới
- Phần 2 (tiếp theo.... kinh doanh và hội nhập): Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam.
- Phần 3 (đoạn còn lại): Khẳng định vai trò của việc chuẩn bị hành trang đối với thế hệ trẻ.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 30 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
- Tác giả viết bài viết này vào thời điểm bắt đầu bước vào thế kỉ XXI, thiên niên kỉ thứ ba
- Bài viết nêu lên vấn đề về tầm quan trọng của việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới cho giới trẻ hiện nay.
- Ý nghĩa thời sự và tính lâu dài của vấn đề này đó là: Bài viết chọn đúng thời điểm đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình. Việc phát huy những điểm mạnh hiện có, khắc phục những điểm xấu, yếu kém đã ăn sâu có tác dụng thay đổi toàn bộ bộ mặt con người Việt Nam, giúp người Việt có thể hội nhập và phát triển.
Câu 2 (trang 30): Có thể xác định lại dàn ý của bài viết theo trình tự lập luận của tác giả như sau:
- Nêu vấn đề chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.
- Tác giả nêu rõ nguyên nhân tại sao cần chuẩn bị và chuẩn bị cái gì
- Những điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam cần được nhận thức ra trong quá trình xây dựng nền kinh tế mới.
- Nhiệm vụ của giới trẻ.
Câu 3 (trang 30): Trong bài này, tác giả cho rằng: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị cho bản thân con người là quan trọng nhất”. Nhận định này hoàn toàn đúng bởi vì:
- Con người bao giờ cũng là động lực phát triển của lịch sử, không có con người lịch sử không thể tiến lên, phát triển.
- Trong thời kỳ nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, con người lại càng có vai trò nổi bật. Con người với tri thức, tư duy sáng tạo, với tiềm năng chất xám vô cùng phong phú, sâu rộng đã góp phần tạo nên nền kinh tế tri thức ấy.
Câu 4 (trang 30):
- Điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, thói quen của người Việt Nam ta đó là:
+ Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản, kiến thức thực hành.
+ Cần cù, sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ lao động khẩn trương.
+ Có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau nhưng đồng thời lại cũng thường ganh ghét đố kị nhau trong công việc.
+ Bản tính thích ứng nhanh nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen, nếp nghĩ, quen bao cấp, rất sính ngoại, khôn vặt, ít giữ chữ "tín".
- Những điểm mạnh ấy giúp cho con người Việt Nam có thể học hỏi và thích ứng nhanh với môi trường mới, đáp ứng những đòi hỏi về quy trình công nghệ. Tuy nhiên những điểm yếu kia sẽ kìm hãm sự phát triển của con người vì chỉ nghĩ đến cái tôi mà không nghĩ đến cái ta chung, làm việc không có quy trình, kỉ luật.
Câu 5 (trang 30):
Khác với các bài viết khác luôn ca ngợi đức tính của con người Việt Nam, bài viết này lại chỉ ra điểm yếu kém trong ý thức của người Việt một cách thẳng thắn. Tuy nhiên, tác giả không chia điểm mạnh và điểm yếu ra làm 2 ý rõ rệt mà nêu từng điểm mạnh đi liền với đó là điểm yếu. Cách nhìn sự vật hiện tượng một cách sâu sắc, toàn diện, trong cái mạnh lại tiềm ẩn cái yếu. Những cái yếu đó một khi đã trở thành thói quen, nếp nghĩ thì rất dễ lẫn lộn với cái mạnh, khiến người ta tưởng lầm là cái mạnh. Tác giả chỉ ra sự cần thiết và mong muốn giới trẻ có khả năng phát hiện những điểm mạnh điểm yếu của mình, đừng lầm tưởng về bản thân mình.
Câu 6 (trang 30):
Trong văn bản, tác giả đã sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ như: "nước đến chân mới nhảy", "trâu buộc ghét trâu ăn", "liệu cơm gắp mắm", "bóc ngắn cắn dài"... Việc sử dụng khá nhiều những thành ngữ, tục ngữ dân gian như vậy làmcho bài viết thêm phần sinh động, cụ thể, giàu ý nghĩa.
Luyện tập
Câu 1 (trang 31): Những dẫn chứng trong thực tế xã hội và nhà trường nhằm làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam: cần cù, thông minh, sáng tạo; kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn như:
- Trong thời kì chiến tranh, nhân dân các làng bản, vùng quê đem lương thực nuôi bộ đội, giúp bộ đội tránh khỏi sự lùng sục của kẻ thù, sự đoàn kết của quân dân ta đã đánh bại hai kẻ thù lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
- Đoàn Trường Sinh ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang 10 năm cõng người bạn bị liệt cả hai chân đi học.
- Nguyễn Văn Nam sinh năm 1995, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã 3 lần cứu sống 9 người sắp bị chết đuối, trong lần cứu 5 em nhỏ bản thân Nam đã bị chết đuối.
- Học sinh học thuộc lòng kiến thức để làm các bài kiểm tra mà không hiểu bản chất của vấn đề, không thể vận dụng kiến thức ấy vào những trường hợp mang tính mở rộng.
Câu 2 (trang 31): Tham khảo
- Những điểm mạnh của bản thân:
+ Có khả năng tiếp thu kiến thức nhanh
+ Có khả năng nắm bắt khái quát vấn đề
+ Có tính sáng tạo
- Điểm yếu của bản thân
+ Đôi khi còn lười trong suy nghĩ và hành động
+ Chưa làm việc một cách tỉ mỉ, cẩn thận
Bài trước: Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tập làm văn) (trang 25 SGK Ngữ văn 9 tập 2) Bài tiếp: Soạn bài: Các thành phần biệt lập (tiếp theo) (trang 31 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2)