Soạn bài: Chiếc lược ngà (trang 202 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)
Bố cục của bài văn gồm 3 phần:
- Phần 1 (từ đầu đến "chị cũng không muốn bắt nó về"): Ông Sáu trở về thăm nhà trong ba ngày nghỉ phép nhưng bé Thu không nhận ông là ba.
- Phần 2 (tiếp theo đến "vừa nói vừa từ từ tuột xuống"): Bé Thu nhận ra ba và cuộc chia tay của hai cha con.
- Phần 3 (đoạn còn lại): Ông Sáu hi sinh ở chiến trường và chuyện chiếc lược ngà.
Tóm tắt nội dung chính của đoạn trích:
Ông Sáu là một cán bộ kháng chiến, xa nhà nhiều năm. Mãi đến khi hòa bình lập lại ông mới có dịp về thăm nhà. Bé Thu không nhận ông là cha vì thấy xa lạ. Đến khi nhận ra người cha và tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ, ông dồn nỗi nhớ thương và tình yêu cho con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà để tặng cho con. Trong một trận càn của địch, ông đã hi sinh. Ông Sáu còn kịp đưa cây lược ngà cho người bạn đem về trao lại cho bé Thu.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 202 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
- Kể tóm tắt cốt truyện của đoạn trích: Ông Sáu là một cán bộ kháng chiến, xa nhà nhiều năm. Mãi đến khi hòa bình lập lại ông mới có dịp về thăm nhà. Bé Thu không nhận ông là cha vì thấy xa lạ, ba có vết sẹo lớn trên mặt không giống ảnh ba chụp với má. Đến khi nhận cha và tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ, ông dồn nỗi nhớ thương và tình yêu thương dành cho con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà để tặng cho con. Trong một trận càn của địch, ông đã hi sinh. Ông Sáu còn kịp đưa lại cây lược ngà cho người bạn nhờ đem về trao lại cho bé Thu.
- Tình huống truyện đã bộc lộ tình sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé thu đó là:
+ Tình huống 1: Anh Sáu được về phép 3 ngày nhưng bé Thu không nhận ông Sáu là ba
+ Tình huống 2: Trước lúc trở lại chiến khu, bé Thu đã nhận ra ba thì hai cha con lại phải chia tay
+ Tình huống 3: Anh Sáu ở chiến khu làm chiếc lược ngà tặng con và đã hi sinh trong trận càn của địch.
Câu 2 (trang 202):
* Diễn biến tâm lý và hành động của bé Thu trong 2 ngày đầu:
- Khi nghe thấy ông Sáu gọi “Ba đây con”, bé Thu giật mình gọi "mẹ".
- Mặc kệ những cử chỉ âu yếm của ông Sáu, bé Thu bướng bỉnh, thờ ơ, lạnh lùng, khó hiểu
- Khi bị dọa đánh, bắt buộc phải gọi thì nó nói trống không
- Khi bị ông Sáu đánh thì nó nhặt cái trứng cá vào bát, lặng lẽ bỏ sang bên bà ngoại
* Diễn biến tâm trạng của bé Thu trong buổi chia tay
- Con bé như bị bỏ rơi, đứng nép vào góc nhà
- Nhìn ba với vẻ nghĩ ngợi sâu xa
- Bỗng nó kêu thét lên tiếng “ba”. Nó xô tới, chạy như một con sóc, nó dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, và hôn cả vết thẹo dài trên má ba nó. Nó dang cả hai chân ôm chặt lấy ba nó
- Nó không cho ba nó đi, muốn ba nó ở nhà
Qua những hàng động đó ta thấy Thu là một cô bé có tính cách mạnh mẽ, dứt khoát, rạch ròi, quyết liệt và vô cùng sâu sắc. Ở cô bé có những tính cách rất cứng cỏi đến ương ngạnh nhưng vẫn hồn nhiên, ngây thơ và yêu thương ba hết mực
Câu 3 (trang 202): Tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con đã được thể hiện qua những chi tiết, sự việc:
- Mong ngóng được trở về với con
- Ngạc nhiên, hụt hẫng buồn khi thấy đứa con sợ hãi, bỏ chạy, không nhận ra mình
- Tìm mọi cách để làm thân, vỗ về, mong con gọi một tiếng ba
- Không nén được tức giận đã đánh mắng con
- Đau khổ bất lực khi muốn ôm con trước khi đi mà sợ con phản kháng
- Sung sướng cảm động khi con gái kêu to tiếng ba
- Chăm chút từng tí một để khắc chiếc lược ngà
- Trao chiếc lược ngà cho người bạn trước khi chết.
Qua những hàng động đó, ta thấy ông Sáu không chỉ là một người chiến sĩ có trách nhiệm mà còn là một người cha yêu thương con vô bờ bến.
Câu 4 (trang 202):
- Truyện được kể theo lời trần thuật của nhân vật “tôi” – Bạn ông Sáu.
- Cách chọn vai kể như vậy có tác dụng giúp cho câu chuyện được diễn ra một cách khách quan, toàn cảnh.
Luyện tập
Câu 1 (trang 203): Thái độ và hành động của bé Thu đối với ba rất trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà và lúc ông sắp ra đi, nhưng vẫn nhất quán trong tính cách của nhân vật bởi vì: Bé Thu vẫn luôn hết mực yêu thương ba của mình. Nhưng vì ông Sáu có một vết thẹo dài trên má trông rất dữ tợn, không giống với hình ảnh của ba trong ảnh nên bé Thu đã không nhận ra ba. Khi được nghe lời giải thích của bà, bé Thu dồn hết tình cảm của mình để cất lên tiếng “ba” thiêng liêng ấy.
Câu 2 (trang 203): Đoạn văn tham khảo kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai cha con ông Sáu theo lời hồi tưởng của một nhân vật bé Thu.
Buổi sáng cuối cùng ba tôi còn ở nhà, tôi theo ngoại về nhà. Nhà tôi sáng hôm ấy rất đông họ hàng nội ngoại. Ba tôi bận bịu tiếp khách, tôi đứng nép vào góc nhà, tựa cửa và nhìn mọi người đang vây quanh ba tôi. Sau khi được bà giải thích, tôi biết người đàn ông ấy chính là ba tôi. Tôi muốn chạy lại phía ba, gọi ba nhưng lại ngại ngùng và xấu hổ. Đến khi ba tôi đến chào tôi một cách đầy nuối tiếc, tôi mới giật mình nhận ra, hôm nay có thể là ngày cuối cùng tôi được gặp ba. Tôi sợ hãi, nỗi nhớ ba không thể kìm nén được nữa, thét lên "Ba... a... a... ba! ". Tôi ôm cổ ba, vừa khóc vừa nói không muốn cho ba đi. Tôi hôn cả vết thẹo dài bên má ba tôi. Ba tôi một tay ôm tôi, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên tóc tôi và bảo "Ba đi rồi ba về với con". Tôi vẫn không thể, không muốn chấp nhận sự chia li này. Tôi biết ba tôi đang mang trong mình trách nhiệm cao cả với Tổ quốc điều đó càng làm tôi hối hận về những hành động của mình trước kia. Tôi mếu máo nói với ba “Ba về! Ba mua cho con một cây lược ngà nghe ba! ”. Tôi không muốn cây lược, tôi chỉ mong ba tôi có thể trở về. Cây lược chỉ là một vật làm tin giữa tôi và ba.
Bài trước: Soạn bài: Người kể trong văn bản tự sự (trang 192 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Kiểm tra thơ và truyện hiện đại (I) (trang 203 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1)