Soạn bài: Ý nghĩa của văn chương (trang 62 Ngữ Văn 7 Tập 2)
Bố cục của bài văn gồm 2 phần:
- Phần một: Từ "Người ta kể chuyện đời xưa..... và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài": Nguồn gốc của văn chương
- Phần hai: Phần còn lại - Công dụng và ý nghĩa của văn chương
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 62 Ngữ Văn 7 Tập 2):
- Theo nhà văn Hoài Thanh Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là: lòng thương người và rộng ra là lòng thương cả muôn vật muôn loài
Câu 2 (trang 62):
* Nhà văn Hoài Thanh đã viết: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế văn chương còn sáng tạo ra sự sống.. ”. Giải thích:
- Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng
+ Văn chương sẽ phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng ngoài kia, "hình dung" ở đây mang ý nghĩa như hình ảnh kết quả của sự phản ánh miêu tả trong văn chương.
+ Đọc bài thơ Lượm của Tố Hữu ta bắt gặp hình ảnh chú bé giao liên hồn nhiên, vui tươi nhanh nhẹn, yêu đời đã kiên cường vượt qua mặt trận đầy lửa đạn để làm nhiệm vụ và chú đã hi sinh giữa đồng lúa quê hương. Lượm chính là hình dung của sự sống. Lượm là nhân vật trong thơ tiêu biểu cho hàng trăm, hàng ngàn em bé liên lạc có thật trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta.
+ Đọc bài Cảnh khuya của Bác Hồ ta thấy một bức tranh đêm trăng nơi núi rừng Việt Bắc thơ mộng, huyền ảo.
- Văn chương sáng tạo ra sự sống:
+ Văn chương dựng lên những hình ảnh đưa ra những ý tưởng mà cuộc sống hiện tại chưa có hoặc chưa cần đến để mọi người nỗ lực, phấn đấu biến những điều đó thành hiện thực tốt đẹp trong tương lai.
+ Thế giới truyện cổ tích là thế giới được xây dựng trong tưởng tượng với ước mong về một cuộc sống tốt đẹp hơn
+ Nhà văn Tô Hoài đã xây dựng nên một thế giới vô cùng sinh động của các loài động vật: dế mè, dế chũi, châu chấu, cào cào,... qua câu chuyện "Dế mèn phiêu lưu ký"
Câu 3 (trang 62):
- Theo nhà văn Hoài Thanh văn chương có công dụng: giúp cho người đọc có tình cảm, có lòng vị tha, gây cho ta những tình cảm không có, luyện những tình cảm ta sẵn có, biết cái đẹp cái hay của cảnh vật thiên nhiên, văn chương làm cho cuôc sống tươi đẹp thú vị biết bao
Câu 4 (trang 62):
a. Văn bản Ý nghĩa văn chương thuộc lọai văn nghị luận văn chương. Bởi phạm vi nghị luận thuộc về vấn đề của văn chương.
b. Văn nghị luận của tác giả Hoài Thanh có những nét đặc sắc đó là: vừa có lí lẽ vừa có cảm xúc, hình ảnh.
Đoạn văn bản làm dẫn chứng cho ý đã chọn như sau:
"Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần".
Luyện tập
Nhà văn Hoài Thanh đã viết: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có". Giải thích và tìm những dẫn chứng chứng minh cho câu nói trên như sau:
- "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có"
+ Ngoài những tình cảm thông thường văn chương sẽ gây dựng trong ta những tình cảm mà ta chưa có hoặc chưa cảm nhận được.
+ Chẳng hạn như trước nay ta chưa từng yêu mến thiên nhiên Côn Sơn nhưng qua bài Côn Sơn ca của nhà thơ Nguyễn Trãi ta không khỏi xao xuyến, bồi hồi trước cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. Chúng ta ao ước một lần được đặt chân tới đó.
+ Đọc tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu kí" của nhà văn Tô Hoài ta thấy khơi dậy trong bản thân khát vọng về một chuyến phiêu lưu thú vị, hấp đãn mà trước giờ ta chưa được cảm nhận, cũng chưa được trải qua.
- "Văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có":
+ Con người đã sẵn có những tình cảm như yêu ghét, hận, thù,... văn chương sẽ luyện cho những tình cảm ấy thêm sâu sắc hơn.
+ Tình cảm yêu thiên nhiên ai mà chẳng có nhưng nhờ những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Trãi trong Côn Sơn ca mà tình cảm ấy được vun đắp, ngày một dồi dào hơn.
+ Yêu thương là tình cảm thường trực trong mỗi con người nhờ văn chương qua những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao đằm thắm nghĩa tình, tình cảm ấy được nâng lên sâu sắc hơn, cao đẹp hơn, thương người và thương cả mình.
Bài trước: Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 5: Văn lập luận chứng minh - Soạn văn 7 (siêu ngắn) Bài tiếp: Soạn bài: Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (tiếp theo) (trang 65 Ngữ Văn 7 Tập 2)