Trang chủ > Lớp 8 > Soạn Văn 8 (siêu ngắn) > Soạn bài: Tổng kết phần văn (tiếp theo) (trang 144 Ngữ văn 8 tập 2)

Soạn bài: Tổng kết phần văn (tiếp theo) (trang 144 Ngữ văn 8 tập 2)

Câu 3:

Qua các văn bản trong bài 22,23,24,25,26:

- Văn nghị luận là văn được viết ra với mục đích xác lập cho người nghe, người đọc một quan điểm hoặc một tư tưởng nào đó. Văn nghị luận cần có luận điểm rõ ràng, lí lẽ (luận cứ) và các dẫn chứng (luận chứng) phải thuyết phục.

- Văn bản nghị luận trung đại: Nội dung nói về các vấn đề lớn lao của dân tộc; ngôn từ trau chuốt, sử dụng các thể loại văn cổ như văn biền ngẫu, sử dụng các điển tích điển cố...

- Văn bản nghị luận hiện đại: Nội dung đa dạng từ những vấn đề của đất nước cho đến nội dung thế sự, đời sống; câu từ ngắn gọn, phóng khoáng, súc tích...

Câu 4:

Những văn bản nghị luận trung đại (trong các bài 22,23,24,25) đều được viết có tình, có lí, có các chứng cứ nên thường có sức thuyết phục cao:

- Có lí: luận điểm chính xác, rõ ràng, lập luận chặt chẽ, xác đáng

- Có tình: tính truyền cảm, giàu cảm xúc

- Có chứng cứ: Dẫn chứng xác đáng, thuyết phục

Câu 5:

Những nét giống nhau và khác nhau nổi bật về hình thức thể loại và nội dung tư tưởng của các văn bản trong bài 22,23,24:

- Giống nhau:

+ Nội dung: Đều bộc lộ một tinh thần dân tộc sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn, thể hiện ý chí tự chủ, tự cường của dân tộc.

- Khác nhau:

+ Nội dung: “Chiếu dời đô” là bài chiếu có mục đích bày tỏ nguyện vọng dời đô về thành Đại La của Lí Công Uẩn; “Hịch tướng sĩ” là bài hịch khích lệ ý chí chống giặc cứu nước, “Nước Đại Việt ta” là lời khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc

+ Hình thức thể loại: “Chiếu dời đô” được viết theo thể loại một bài chiếu; “Hịch tướng sĩ” là một bài hịch; còn “Nước Đại Việt ta” được viết theo thể loại cáo

Câu 6:

- Có thể xem “Bình Ngô đại cáo” là một bản tuyên ngôn độc lập thông qua đoạn trích này, vì đoạn trích này đã khẳng định, đất nước ta có:

+ Nền văn hiến đã từ lâu đời

+ Chủ quyền lãnh thổ rõ ràng.

+ Phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc

+ Lịch sử hình thành và phát triển riêng

+ Có chế độ nhà nước riêng, triều đại riêng, bình đẳng, ngang tầm với những triều đại Trung Quốc

- Ý thức dân tộc có trong đoạn trích "Nước Đại Việt ta" là sự kế thừa và phát triển ý thức dân tộc trong bài "Nam Quốc Sơn Hà":

+ Trong bài "Nam quốc sơn hà", tác giả đã bộc lộ niềm tự hào dân tộc sâu sắc, một ý thức dân tộc qua từ “đế”. Ở "Bình Ngô đại cáo" Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc đó: “mỗi bên xưng đế một phương”. Nếu “đế” là vua thiên tử, duy nhất, toàn quyền cai trị thì ‘vương’ là vua chư hầu, có nhiều và phải phụ thuộc vào đế. Việc xưng “đế” là để khẳng định quyền cai trị đất nước của Đại Việt.

+ Nam quốc sơn hà được xác định chủ yếu dựa trên 2 yếu tố: chủ quyền và lãnh thổ, còn đến Bình Ngô đại cáo, 3 yếu tố được bổ sung thêm là: phong tục tập quán, văn hiến và lịch sử. Ý thức dân tộc đã được kế thừa và phát triển, văn hiến và lịch sử chính là cốt lõi, cội nguồn nhằm khẳng định sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.