Trang chủ > Lớp 8 > Soạn Văn 8 (siêu ngắn) > Soạn bài: Nhớ rừng (trang 7 Ngữ văn 8 tập 2)

Soạn bài: Nhớ rừng (trang 7 Ngữ văn 8 tập 2)

Đọc hiểu văn bản

Câu 1:

Bài thơ chia thành 5 đoạn:

- Đoạn 1: Lòng căm hờn, uất hận khi bị giam cầm nơi cũi sắt

- Đoạn 2: Nỗi nhớ núi rừng đại ngàn và sự oai phong của con hổ

- Đoạn 3: Nỗi nhớ vể một thời tự do, oanh liệt.

- Đoạn 4: Sự căm ghét khu vườn nhỏ hẹp đầy giả dối.

- Đoạn 5: Giấc mơ và niềm khao khát được thoát khỏi nơi tù túng và lại được vùng vẫy chốn rừng xưa.

Câu 2:

a.

- Cảnh tượng trong vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt:

+ Đoạn 1: Không gian trong “cũi sắt”, sống chung cùng với lũ người ngạo mạn ngẩn ngơ, “bọn gấu dở hơi”, “cặp báo vô tư lự”. Thân phận của con hổ là chúa sơn lâm nhưng giờ đây lại phải sống trong cái lồng sắt chật hẹp và tù túng. Sống cùng nơi với những kẻ tầm thường, phải làm trò mua vui cho thiên hạ. Đây là cảnh tượng buồn chán, nhục nhã khiến con hổ thấy “căm hờn”, cay đắng và khinh bỉ.

+ Đoạn 4: Cảnh tượng tầm thường, giả dối, nhân tạo. Đó là nơi bàn tay con người đã tạo nên, học đòi cho giống nơi rừng xanh đại ngàn nhưng đâu thể sánh được với cảnh núi non hoang sơ, hùng vĩ ngoài kia. Cảnh tượng đáng khinh đã thể hiện sự cao ngạo, bất mãn của con hổ.

- Cảnh núi rừng hoang dã, hùng vĩ, nơi con hổ sống những ‘ngày xưa”

+ Đoạn 2: Cảnh núi rừng cao cả, oai linh, giàu có. Đó chính là nơi “bóng cả, cây già”, “giọng nguồn hét núi”, “tiếng gió gào ngàn”, “thảo hoa”, “lá gai, cỏ sắc”. Chỉ có nơi núi rừng hùng vĩ mới xứng với chúa sơn lâm, nơi nó “thét khúc trường ca dữ dội”, nơi nó xứng danh là “chúa tể muôn loài”.

+ Đoạn 3: Cảnh núi rừng bi tráng, lãng mạn. Đó là nơi thơ mộng“những đêm vàng bên bờ suối”, con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan”. Đó là cảnh rừng hùng tráng khi “mưa chuyển bốn phương ngàn”, con hổ vẫn giữ được dáng vẻ của một bậc đế vương “Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới”. Đó là cảnh của những tháng ngày yên bình “bình minh cây xanh nắng gội”, rộn rã “tiếng chim ca”, con hổ trong giấc ngủ yên bình. Đó là những cảnh dữ dội “chiểu lênh láng máu sau rừng”. Ở đây, con hổ đã hiện lên với một tư thế kiêu hùng, lẫm liệt.

b. Nhận xét việc dùng từ ngữ, giọng điệu, hình ảnh của các câu thơ đoạn 2 và 3:

- Từ ngữ: chọn lọc, dùng nhiều động từ mạnh, tính từ gợi hình, nhấn mạnh sự hùng vĩ của núi rừng.

- Hình ảnh: Hình ảnh giàu sức gợi hình, chủ yếu là các hình ảnh nhân hóa, hình ảnh gợi sự liên tưởng cảnh hùng vĩ của đại ngàn, sự oai nghiêm của chúa sơn lâm.

- Giọng điệu: Giọng điệu cao ngạo, tự hào đầy mạnh mẽ đan xen với giọng điệu nhớ thương, uất hận.

c. Qua sự đối lập sâu sắc giữa 2 cảnh tượng ở trên, tâm sự của con hổ khi phải sống trong vườn bách thú: Nỗi căm hờn cảnh tượng hiện tại, nhớ về chốn rừng xanh với niềm tự hào không tả xiết, từ đó lại càng thêm tiếc thương cho hoàn cảnh đáng thương của mình. Tâm sự đó cũng giống như tâm sự của người dân Việt Nam trong thời bấy giờ. Những người dân trong cảnh mất nước, tiếc nhớ về một thời yên bình, oanh liệt của đất nước, căm thù cảnh nước bị đô hộ ở thực tại.

Câu 3:

- Tác dụng của việc mượn "lời con hổ ở trong vườn bách thú" là phù hợp vì:

+ Biểu lộ được thái độ ngao ngán với thực tại tầm thường, tù túng và giả dối.

+ Khao khát được vượt thoát nơi tù túng để được tự do, không thỏa hiệp với thực tại.

+ Hình ảnh con hổ bị nhốt trong cũi sắt trong vườn bách thú cũng chính là biểu tượng của sự mất tự do, sự giam cầm, thể hiện sự chiến bại, sa cơ, mang nỗi tâm sự uất hận.

+ Mượn lời con hổ trong vườn bách thú để tránh sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thực dân.

- Việc mượn lời của con hổ còn có tác dụng giúp tác giả thể hiện được tâm trạng, khát vọng tự do của chính mình.

Câu 4:

Câu nói của Hoài Thanh đề cao việc dùng hình ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ của Thế Lữ:

+ Ngôn ngữ: Động từ mạnh, nhiều điệp từ, dùng ngôn ngữ một cách chính xác, linh hoạt.

+ Hình ảnh: Giàu sức tưởng tượng, liên tưởng, gợi lên sự mạnh mẽ, hùng tráng

+ Nhịp điệu: đa dạng, ngắt nhịp 5/5,4/2/2,3/5 theo dòng cảm xúc của con hổ.