Soạn bài: Tôi đi học (trang 9 Soạn văn 8)
Bố cục:
Chia thành 4 phần:
Phần 1: Từ đầu đến “… rộn rã”: Các hình ảnh khiến nhân vật “tôi” nhớ về kỉ niệm ngày tựu trường đầu tiên.
Phần 2: tiếp theo “…. trên ngọn núi”: Cảm nhận của nhân vật “tôi” trên con đường đến trường cùng mẹ.
Phần 3: Từ “Trước sân trường …. ” đến “…chút nào hết. ”: Tâm trạng và cảm xúc của nhân vật "tôi" khi đứng trước sân trường.
Phần 4: Đoạn còn lại: Dòng tâm trạng và cảm xúc của nhân vật tôi khi bước vào lớp học và bắt đầu bài học mới.
Tóm tắt
Hằng năm, cứ vào cuối mùa thu, lòng tôi lại nao nức nhớ tới kỉ niệm ngày tựu trường đầu tiên. Tôi không thể nào quên được buổi sáng hôm ấy, tiết trời đầy hơi sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi dắt tôi đi trên con đường làng quen thuộc mà hằng ngày tôi vẫn đi, nhưng lần này tôi cảm thấy con đường thật lạ, bởi: Hôm nay tôi đi học. Dọc con đường, nhìn các bạn cùng trang lứa đeo cặp đến trường mà tôi thấy thèm muốn được như thế. Trong bộ quần áo mới tôi cảm thấy bản thân trang trọng và đứng đắn hơn. Trước sân trường có đông người, trường Mỹ Lý của tôi bỗng xinh xắn, oai nghiêm hơn. Những cô cậu học trò mới như tôi vẫn còn bỡ ngỡ, rụt rè và cả hồi hộp, bất giác có bạn còn òa khóc. Được sự an ủi của ông Đốc và sự động viên cổ vũ của bố mẹ, chúng tôi đã bước vào lớp. Bước vào lớp, tôi nhận thấy mọi thứ trở nên thân quen, từ bàn ghế cho đến những người bạn chưa từng gặp. Tôi vòng tay đặt lên bàn, ngoan ngoãn đánh vần theo cô giáo dòng chữ trên bảng: Tôi đi học!
Soạn bài
Câu 1:
- Những điều đã gợi lên trong lòng nhân vật “tôi” những kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên:
+ Tiết trời cuối mùa thu: Lá ngoài đường rơi rụng nhiều, nhiều đám mây bàng bạc…
+ Hình ảnh “mấy em nhỏ còn rụt rè núp dưới bóng bố mẹ lần đầu tiên tới trường”
- Những kỉ niệm này đã được nhà văn diễn tả theo trật tự thời gian, không gian và trình tự tâm lí:
+ Trình tự thời gian: Từ hiện tại lại nhớ về quá khứ
+ Trình tự không gian: Trên đường tới trường, trước và trên sân trường, trong lớp học
+ Trình tự tâm lí: Khi cậu bé đi cùng với mẹ trên con đường làng thân quen, khi đứng trước sân trường, khi nghe tiếng trống trường vang lên, lúc thấy các anh chị lớp cũ và những người bạn mới như mình, lúc chờ ông Đốc đọc tên, lúc giờ học bắt đầu
Câu 2:
Những chi tiết, hình ảnh đã chứng tỏ tâm trạng hồi hộp và cảm giác bỡ ngỡ cuả nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường:
- Khi cùng mẹ đi trên con đường làng tới trường:
+ Con đường, cảnh vật xung quanh vốn rất thân quen nhưng hôm nay lại cảm thấy lạ, nhận thấy cảnh vật đã thay đổi vì trong lòng cậu đang có sự thay đổi.
+ Cảm thấy “trang trọng và đứng đắn” trong bộ đồng phục
+ Hai quyển vở nhỏ bỗng thấy nặng hơn và cậu muốn cầm chúng thật chặt, cầm cả bút và thước
+ Bỗng thấy ngôi trường trở nên xinh xắn và oai nghiêm khác thường
+ Cảm thấy mình nhỏ bé và lo sợ vẩn vơ
→ Khi nghe gọi tên và phải rời vòng tay mẹ để cùng các bạn đi vào lớp.
+ Chờ gọi tên mà cảm thấy như “tim ngừng đập”, khi nghe gọi đến tên mình thì “giật mình và lúng túng”
+ Cảm thấy “nặng nề” khi sắp phải bước vào lớp
+ Nức nở òa khóc khi thấy các bạn khóc lúc sắp bước vào lớp học
+ Có cảm giác như bước vào thế giới khác“Chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này”
→ Khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên:
+ Cảm thấy mới mẻ và thích thú, xốn xang: mọi thứ như vừa lạ vừa quen từ bàn ghế, lớp học đến bạn bè “Tôi nhìn bàn ghế, ,, chút nào”
+ Hình ảnh cánh chim gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ rong chơi và tiếng phấn thầy gạch trên bảng đã đánh dấu sự sang trang trong cuộc đời và tâm tưởng của “tôi”
Câu 3:
Cảm nhận về thái độ và cử chỉ của những người lớn
→ Phụ huynh: Ân cần, chu đáo, dịu dàng hết mực, luôn quan tâm động viên đến những đứa con của mình, họ cũng rất hồi hộp, lo lắng cùng các con.
→ Ông Đốc: Kên nhẫn, hiền hậu và hết lòng yêu thương lũ trẻ
→ Thầy giáo: Người thầy ân cần, vui tính, quan tâm và yêu thương học sinh
→ Những thái độ và cử chỉ của người lớn đã cho chúng ta thấy được sự quan tâm, tấm lòng yêu thương và trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với thế hệ trẻ.
Câu 4:
Tìm và phân tích những hình ảnh so sánh:
- “Tôi quên làm sao được…bầu trời quang đãng”
Ý nghĩa: Đây là hình ảnh so sánh biểu thị tình cảm trong sáng, đẹp đẽ của người viết về ngày tựu trường.
- “Ý nghĩ ấy…trên ngọn núi”
Ý nghĩa: Thể hiện ý nghĩ đó chỉ thoáng qua, không khiếncậu bận tâm, hay lo lắng, đồng thời cũng cho chúng ta thấy được tâm hồn hồn nhiên thơ mộng của cậu.
- “Cũng như tôi…ngập ngừng e sợ”
Ý nghĩa: Thể hiện tâm trạng của những cô cậu học trò mới bước vào thời học sinh, háo hức muốn bước vào ngôi trường - một thế giới mới với nhưng còn lo lắng, rụt rè
- “Nói các cậu…tưởng tượng”
Ý nghĩa: Tiếng trống có tác động mãnh liệt đến các cậu học sinh mới, như thôi thúc, giục giã những tâm hồn non nớt muốn bước vào thế giới rộng lớn nhưng còn rụt rè, e sợ.
Câu 5:
Nhận xét về nghệ thuật đặc sắc của truyện:
→ Đặc sắc nghệ thuật:
+ Bố cục theo dòng hồi tường,
+ Sự đan xen giữa các phương thức biểu đạt: Miêu tả, tự sự, biểu cảm
+ Nghệ thuật khắc họa tâm lí của nhân vật vô cùng tinh tế, đặc sắc.
→ Sức cuốn hút của tác phẩm:
+ Tình huống truyện được viết theo dòng hồi tưởng
+ Hình ảnh trong sáng, tươi đẹp, nhẹ nhàng
+ Tình cảm trìu mến, đầy tình thương của người lớn và tâm lí hồi hộp, lo lắng của các em học sinh
+ Sự gợi nhớ cho người đọc: Những hình ảnh trong bài, diễn biến tâm lí của các em học sinh mới dường như đều có bóng dáng của mỗi người chúng ta trong ngày đầu tiên tựu trường.
Luyện tập
Câu 1:
Trong truyện ngắn “Tôi đi học” của tác giả Thanh Tịnh, dòng cảm hứng của nhân vật “tôi” đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Những cảm xúc của nhân vật tôi thật trong sáng, thiêng liêng. Đó là sự bỡ ngỡ, bồi hồi trong khoảnh khắc sắp bước vào một thế giới đầy mới lạ. Ai chẳng có một lần lo sợ đến òa khóc như cậu sinh ấy trong ngày đầu tiên đến trường. Rời xa vòng tay gia đình, như chú chim non đang tập vỗ cánh bay. Những cảm xúc đó mới thật tự nhiên, thật đáng quý trong cuộc đời của mỗi con người.
Câu 2:
Viết bài văn ngắn ghi lại những ấn tượng của em trong buổi khai trường đầu tiên:
Gợi ý: Học sinh có thể kể lại ấn tượng của mình về ngày khai trường đầu tiên của mình theo trình tự thời gian, không gian hoặc kết hợp giữa trình tự này. Học sinh cần nêu được những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai giảng đầu tiên, cần phải trình bày được cảm xúc, tâm trạng của mình gắn với mỗi hình ảnh, mỗi kỉ niệm.
Mở bài: Giới thiệu chung về ấn tượng của ngày đầu tiên đi học.
Thân bài:
- Kể về sự chuẩn bị và tâm trạng của bản thân trước ngày đầu tiên đến trường
+ Sự chuẩn bị của bản thân (quần áo, sách vở, cặp... ).
+ Sự quan tâm, chăm chút, chu đáo của mẹ và gia đình
+ Tâm trạng đêm trước ngày khai giảng đầu tiên: trằn trọc, háo hức, hồi hộp...
- Kể về khung cảnh, cảm xúc của bản thân khi đi trên con đường đến trường
+ Thời tiết, cảnh nhiều bạn học sinh khác cũng đi trên đường đến trường như mình như nào?...
+ Cảm xúc của bản thân trước khung cảnh quen thuộc nhưng khác thường ấy
- Kể về những kỉ niệm khi bước chân vào ngôi trường, lớp học
+ Kỉ niệm về ấn tượng với bạn bè, thầy cô, ngôi trường, lớp học các tình huống em đã gặp trong ngày đầu tiên đi học ấy
+ Tập trung kể chi tiết một kỉ niệm nào đó mà em rất ấn tượng và để lại cho em nhiều cảm xúc nhất.
Kết bài: Khái quát lại những ấn tượng sâu sắc của bản thân về ngày đầu tiên tới trường. Cảm xúc của em mỗi khi nhớ về ngày khai giảng đó như thế nào?
Bài tiếp: Soạn bài: Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ (trang 11 Ngữ văn 8)