Soạn bài: Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm (trang 83 Ngữ văn 8)
I. Từ sự việc và nhân vật đến đoạn văn tự sự có các yếu tố miêu tả và biểu cảm.
Câu 1:
- Bước 1: Chọn các sự việc chính
Em giúp đỡ một bà cụ qua đường vào lúc đông người và nhiều phương tiện giao thông đi lại
- Bước 2: Lựa chọn ngôi kể
Người kể chọn ngôi thứ nhất, xưng tôi
- Bước 3: Xác định trình tự kể
+ Em gặp bà cụ trong hoàn cảnh nào
+ Em đã đưa bà cụ qua đường ra sao và hai bà cháu đã trò chuyện với nhau như thế nào.
+ Hai bà cháu chia tay nhau như thế nào và cảm xúc của em ra sao?
- Bước 4: Xác định những yếu tố miêu tả và biểu cảm
+ Ngoại hình của bà cụ đó
+ Khung cảnh đường phố đông đúc người và xe cộ như thế nào
+ Cụ sợ sệt và lúng túng như thế nào khi qua đường
+ Cảm xúc của bản thân em khi giúp được bà cụ qua đường
- Bước 5: Viết thành đoạn văn
Chiều ngày hôm ấy, một buổi chiều mùa hạ với cái nắng gay gắt, sau giờ tan trường, em cắp sách vở và bước thật nhanh về nhà. Nhưng lúc về gần tới nhà, em bỗng nhìn thấy một bà cụ tóc đã bạc trắng, da nhăn nheo đang đứng chống gậy ở bên lề đường với nét mặt đầy lo lắng. Bà cụ đứng quan sát dòng người vội vã tấp nập trên đường, đôi chân nhấp nhửng như đang tìm cách qua đường. Em bước tới, dừng lại bên cạnh bà và hỏi cụ:
- Cháu chào cụ ạ. Sao cụ lại đứng ở đây ạ?
Bà cụ quay đầu lại nhìn em bằng ánh mắt thật ấm áp và trả lời bằng giọng nói ôn tồn:
- Bà đang muốn qua đường nhưng nhìn thấy xe đông quá, bà muốn đi mà đứng mãi từ nãy đến giờ không có ai qua đường để bà đi cùng. Bà lo quá, trời lại sắp đổ mưa nữa rồi, thế này thì bà về nhà sẽ tối muộn mất.
Nghe bà cụ nói chuyện và nhìn cụ lúc này, em chợt muốn làm một việc gì đó để giúp cho cụ, em nhẹ nhàng cầm tay cụ và nói:
- Thưa cụ, để cháu dắt cụ qua đường ạ!
Nét mặt bà cụ lúc này thật rạng rỡ. Cụ mỉm cười và nói: Vậy thì tốt quá! Hai bà cháu dắt nhau qua con đường dưới cái nắng chói chang của mùa hạ. Lúc đi qua đường, hai bà cháu nắm tay nhau thật chặt và thi thoảng nhìn nhau rồi nở một nụ cười thật ấm áp. Em cảm thấy thật là vui và hạnh phúc vì đã giúp được bà cụ.
Luyện tập
Câu 1:
Vừa nhìn thấy tôi đang ngồi bên bàn nước, lão cố làm ra vui vẻ. Rồi sau đó, lão nói ngay câu chuyện:
- Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ.
Tôi hỏi lại:
- Cụ bán nó rồi sao?
Nét mặt lão buồn bã, lão nói:
- Bán rồi, họ vừa bắt xong.
À! Thì ra lão Hạc vừa bán cậu Vàng - con chó mà lão rất yêu quý và xem như tri kỉ. Lão không thể dấu nổi cảm xúc của bản thân mình nữa, mặt lão bỗng nhiên co rúm lại, khuôn mặt nhăn nhúm ép cho dòng nước mắt chảy ra. Rồi lão bật khóc nức nở. Tôi thấy lão mà xót xa và thương lão đến vô cùng nhưng không thể giúp gì cho lão.
Câu 2:
- Đoạn văn trong truyện ngắn "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao kể lại giây phút trên là:
" Hôm sau lão lại sang nhà tôi chơi…. Lão hu hu khóc…"
- Đoạn văn của Nam Cao có kết hợp giữa yếu tố miêu tả và biểu cảm ở chỗ miêu tả tâm trạng đau đớn, xót xa của lão Hạc khi phải đi con chó và tiếng khóc của lão.
- Các yếu tố miêu tả và biểu cảm ấy có tác dụng khắc họa sâu sắc bộ dạng, cử chỉ và nỗi đau xót xa đã đến tột cùng của lão Hạc khi phải quyết bán chó.
Bài trước: Soạn bài: Tình thái từ (trang 80 Ngữ văn 8) Bài tiếp: Soạn bài: Chiếc lá cuối cùng (trang 90 Ngữ văn 8)