Soạn bài: Lão Hạc (trang 48 Ngữ văn 8)
Bố cục
Chia thành 3 phần:
- Phần 1 - từ đầu…ông giáo ạ: Sự dằn vặt, day dứt của lão Hạc sau khi bán cậu Vàng.
- Phần 2 - tiếp theo… thêm đáng buồn: Lão Hạc gửi gắm mảnh vườn và tiền bạc cho ông giáo, nhờ ông trông nom nhà cửa giúp.
- Phần 3: còn lại: Cái chết dữ dội của lão Hạc.
Tóm tắt
Lão Hạc là một người nông dâng nghèo. Con trai lão vì không đủ tiền cưới vợ nên đã phẫn chí đi đồn điền cao su. Lão ở nhà một mình với con chó mà lão hay gọi là cậu Vàng. Lão tiêu pha dè sẻn, tiết kiệm để dành dụm tiền cho con lão. Nhưng không may, sau một trận ốm nặng và cuộc sống nghèo khó đã vét cạn tiền của của lão. Lão quyết định bán đi con Vàng, người bạn mà lão yêu quý để dành tiền cho con và để làm ma cho lão mà không phải liên lụy đến hàng xóm láng giềng. Lão mang số tiền dành dụm được gửi ông giáo giữ hộ. Và gửi gắm mảnh vườn cho con trai. Lão dù đói nhưng không dám ăn, có lúc ăn khoai, ăn thứ gì chế được và từ chối nhận sự giúp đỡ của ông giáo. Qua Binh Tư, ông giáo đã biết được lão Hạc đã mua bả chó của hắn. Ông giáo đã bất ngờ và nghĩ rằng Lão Hạc không còn trong sạch như ông nghĩ. Nhưng rồi lão Hạc bỗng nhiên chết - cái chết thật đau đớn và dữ dội. Ông giáo đã hiểu ra tất cả, cảm thấy vô cùng đau đớn nghĩ về cái chết của lão Hạc và chiêm nghiệm về cuộc đời.
Soạn bài
Câu 1:
Phân tích tâm trạng của Lão Hạc xoay quanh việc bán chó:
- Vui vẻ, hạnh phúc khi có cậu Vàng ở bên bầu bạn
+ Trân trọng gọi nó là cậu Vàng
+ Đối xử với cậu Vàng giống như đối xử với con cháu: cho nó ăn trong bát, gắp thức ăn cho nó, chửi yêu, cưng nựng…
- Diễn biến tâm lý của lão sau khi bán cậu Vàng
+ Cố làm bộ mặt vui vẻ, nhưng "đôi mắt thì ầng ậng nước", "mếu máo như trẻ con"
+ Đau đớn, dằn vặt khi nghĩ mình trót lừa một con chó “mặt lão đột nhiên co rúm lại”, “đầu lão ngoẹo sang một bên”... khi ông giáo hỏi “thế nó cho bắt à? ”
+ Lão cảm thấy chua xót về quá trình con chó bị bắt, tưởng tượng ra vẻ mặt và thái độ oán trách của con chó với lão.
→ Lão Hạc là người nông dân hiền lành, sống tình nghĩa nên lão cảm thấy rất đau lòng, dằn vặt lương tâm khi bán đi cậu Vàng.
Câu 2:
Nguyên nhân dẫn đến cái chết lão Hạc:
- Do tình cảnh đói nghèo, cùng quẫn
- Lão không muốn dùng số tiền mình dành dụm cho con trai
- Lão đau đớn vì đã bán đi cậu Vàng, vì bản thân lão đã trót lừa một con chó - lão xem nó như một người tri kỉ
Tình cảnh và tính cách của lão Hạc thông qua việc thu xếp, nhờ cậy ông giáo rồi tìm cách kết liễu đời mình:
- Tình cảnh: nghèo đói, nếu sống sẽ phải ăn vào số tiền của con → khốn cùng, không còn đường lui.
- Tính cách:
+ Lão là người rất chu đáo, biết lo xa
+ Lão có lòng tự trọng cao nên không muốn phiền hà đến xóm giềng cả khi sống hay đã chết
+ Lão coi trọng nhân phẩm, danh dự, đứa con hơn chính mạng sống của mình.
Câu 3:
Thái độ và tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc:
- Dửng dưng thờ ơ khi nghe lão Hạc bảo sẽ bán cậu Vàng, vì lão đã nói với “tôi” rất nhiều lần trước đó.
- Cảm thông, ái ngại, xót xa thay cho lão Hạc khi thấy lão khóc vì phải bán con Vàng
- Quan tâm, muốn sẻ chia cùng với lão khi dấu vợ ngấm ngầm để giúp lão.
- Hoài nghi, thất vọng khi nghe Binh Tư kể lại chuyện lão xin bả chó...
- Kính trọng nhân cách của lão Hạc khi biết nguyên nhân cái chết của lão Hạc.
Câu 4:
- Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc đã xin hắn ít bả chó để bắt một con chó nhà hàng xóm hay sang vườn nhà lão thì nhân vật “tôi” đã cảm thấy “cuộc đời quả thật... đáng buồn": “Tôi” không ngờ một người đã từng khóc vì phải bán một con chó lại đi xin bả chó để kiếm miếng ăn. Ông giáo thầm nghĩ rằng cái đói, cái khốn cùng đã khiến nhân cách của lão Hạc bị tha hóa.
- Nhưng khi chứng kiến cái chết dữ dội của lão Hạc, “tôi” lại nghĩ: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn hay vẫn đáng buồn nhưng đáng buồn theo một nghĩa khác”: Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn vì nhân cách của lão Hạc vẫn còn nguyên vẹn như “tôi” đã từng biết. Nhưng đáng buồn vì cái của lão đầy thương tâm, một người sống tình nghĩa nhưng bị ép đến đường cùng vì cái đói, cái nghèo.
Câu 5:
- Cái hay của truyện được thể hiện rõ nhất ở các điểm:
+ Tình huống truyện bất ngờ: Khiến cho người đọc cũng có lúc thấy nghi ngờ lão Hạc như ông giáo, để rồi lại vỡ òa trong sự kính trọng và thương xót.
+ Diễn biến tâm lí của nhân vật lão Hạc và ông giáo được miêu tả một cách chi tiết, bất ngờ và có chiều sâu.
+ Ngôn ngữ của truyện: ngôn ngữ cô đọng, ngôn ngữ độc thoại và đối thoại đậm chất trữ tình mang cả suy nghĩ, tình cảm và tâm trạng của nhân vật.
+ Nghệ thuật kể chuyện: Câu chuyện được kể theo lời dẫn của nhân vật “tôi” người đã tham gia trong câu chuyện và chứng kiến mọi sự việc diễn ra. Điều này đã làm cho câu chuyên thêm chân thật, gần gũi hơn với người đọc, khiến cho câu chuyện không đơn điệu mà trở nên đa giọng điệu
Câu 6:
- Đừng nhìn người khác một cách phiến diện mà hãy cố tìm hiểu trong thế giới tâm hồn và bản tính của họ.
- Hãy đặt bản thân vào vị trí của người khác để tìm hiểu, đừng chỉ nhìn bên ngoài rồi phán xét.
- Cần trân trọng, khám phá vẻ đẹp bên trong của con người, cảm thông với người khác.
Câu 7:
Cuộc sống của người nông dân nghèo trong xã hội cũ thông qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” và truyện ngắn “Lão Hạc”:
- Cuộc sống nghèo túng, lạc hậu, đói kém.
- Họ là dân nghèo bị bóc lột, bị chèn ép, sống trong cảnh bất công.
- Họ luôn giữ được phẩm chất đạo đức trong sạch, nhân cách cao quý, giàu tình yêu thương, có sức mạnh phản kháng tiềm tàng.
Bài trước: Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 1 (trang 40 Ngữ văn 8) Bài tiếp: Soạn bài: Từ tượng hình, từ tượng thanh (trang 49 Ngữ văn 8)