Ôn tập về truyện - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2
Câu 1 (Trang 144 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2):
Câu 2 (Trang 144 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2):
STT | Tên tác phẩm | Tác giả | Năm sáng tác | Tóm tắt nội dung |
1 | Làng | Kim Lân | 1948 | Qua tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, truyện diễn tả tình yêu làng hợp nhất với tình yêu đất nước, tình yêu cách mệnh. |
2 | Lặng lẽ Sa Pa | Nguyễn Thành Long | 1970 | Qua cuộc gặp gỡ tình cờ trên đỉnh Yên Sơn, truyện ngợi ca những người lao động lặng thầm, sống đẹp, cống hiến cho đất nước |
3 | Chiếc lược ngà | Nguyễn Quang Sáng | 1966 | Qua câu chuyện ngang trái và cảm động của hai cha con ông Sáu và bé Thu để ngợi ca tình cha con sâu sắc trong chiến tranh |
4 | Bến quê | Nguyễn Minh Châu | 1985 | Qua những xúc cảm và suy ngẫm của nhân vật Nhĩ vào cuối đời, truyện thức tỉnh mọi người sự trân trọng những giá trị và vẻ đẹp gần gũi, thân thuộc |
5 | Những ngôi sao xa xôi | Lê Minh Khuê | 1971 | Cuộc sống đấu tranh của ba cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm của tuyến Trường Sơn trong kháng chiến Mĩ làm nổi bật lên tâm hồn và tinh thần gan dạ của họ |
Bảng thống kê trên phản ánh:
a. Hình ảnh đất nước: Cảnh ngộ đất nước trong hai cuộc kháng chiến vẻ vang. Và đất hình ảnh nước trong thời kì đổi mới từng bước đi lên.
b. Con người Việt Nam: Tinh thần yêu nước bất diệt, tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do vượt mọi gian khổ, hi sinh. Họ cũng có tâm hồn, tình cảm gia đình sâu sắc.
Câu 3 (Trang 144 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2):
- Hình ảnh những thế hệ con người Việt Nam yêu nước trong hai cuộc kháng chiến được miêu tả thông qua các nhân vật: ông Hai (Làng), anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa), ông Sáu và bé Thu (Chiếc lược ngà), ba cô gái (Những ngôi sao xa xôi). Họ đều có tình yêu nước to lớn, tình yêu với cách mệnh, độc lập.
- Nét riêng của các nhân vật ấy:
+ Ông Hai: tình yêu làng đặc biệt nhưng phải gắn liền với tình yêu nước.
+ Anh thanh niên: có niềm đam mê với công việc của mình, có tâm hồn và suy nghĩ đẹp.
+ Bé Thu: cứng cỏi, tình cảm sâu nặng với cha.
+ Ông Sáu: yêu thương con sâu sắc dù trong hoàn cảnh ngang trái và chiến tranh.
+ Ba cô gái thanh niên: quả cảm không sợ hi sinh, tình cảm trong sáng, hồn nhiên.
Câu 4 (Trang 144 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2):
Đoạn văn tham khảo (Suy nghĩ về nhân vật anh thanh niên):
Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa không được miêu tả với cái tên cụ thể, vì anh là hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho cả một thế hệ những con người lặng thầm cống hiến sức mình cho đất nước. Tâm hồn anh cao đẹp biết bao, anh đam mê, yêu thích công việc dù vất vả của mình là làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt. Do đặc thù của công việc mà anh cũng trở thành “người cô độc nhất thế gian” như lời bác tài xế nói. Qua cuộc gặp gỡ tình cờ với ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ, anh thanh niên ấy lại càng bộc lộ ra những vẻ đẹp tâm hồn cao quý. Anh có một tâm hồn thật đẹp, trồng cả một vườn hoa, lại luôn khiêm nhường, cung kính. Chỉ chưa đầy 30 phút tiếp xúc, anh đã để lại cho bác họa sĩ già biết bao suy ngẫm về vẻ đẹp cuộc đời mà mình không bao giờ biết hết được, cô kỹ sư trẻ niềm cảm mến bâng khuâng.
Câu 5 (Trang 145 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2):
Các tác phẩm truyện lớp 9 sử dụng các ngôi kể:
- Ngôi kể thứ nhất (nhân vật xưng “tôi”): Chiếc lược ngà, Cố hương, Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, Những ngôi sao xa xôi, Những đứa trẻ → Biểu hiện sâu sắc xúc cảm, nghĩ suy của nhân vật xưng “tôi” và điểm nhìn của nhân vật về các sự việc, nhân vật khác.
- Ngôi kể thứ ba: Làng, Lặng lẽ Sa Pa, Bến quê, Bố của Xi-mông.
Câu 6 (Trang 145 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 2):
Những tác phẩm có tình huống truyện đặc sắc:
- Làng: ông Hai rất yêu làng của mình nhưng vô tình nghe tin làng mình theo giặc.
- Lặng lẽ Sa Pa: cuộc gặp gỡ tình cờ rất đơn giản nhưng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
- Chiếc lược ngà: hai cha con gặp nhau sau 8 năm xa cách nhưng bé Thu lại không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt.
- Bến quê: Nhân vật Nhĩ vào cuối đời bị bó buộc trên giường bệnh mới nhận ra giá trị của những vẻ đẹp bình dị. thân thuộc xung quanh mình.