Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (ngắn nhất) > Đồng chí - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1

Đồng chí - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1

Bố cục bài thơ:

- Phần 1: 7 câu thơ đầu: Cơ sở hình thành tình đồng chí.

- Phần 2: 10 câu thơ tiếp: Biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí.

- Phần 3: 3 câu thơ cuối: Hình ảnh và biểu tượng về người lính.

Đọc hiểu văn bản:

Câu 1 (Trang 130 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):

- Dòng thứ bảy của bài thơ rất ngắn gọn, chỉ gồm hai từ, kết thúc bằng dấu chấm than. Vang lên giống như một sự phát hiện “Đây chính là tình đồng chí”.

- Dòng thơ thứ bảy là mối liên kết đoạn trước và sau nó. Đoạn trước là cơ sở, nguồn cội của tình đồng chí, đoạn sau là những biểu lộ cụ thể.

Câu 2 (Trang 130 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):

Cơ sở hình thành của tình đồng chí qua sáu câu thơ đầu:

- Cùng chung nguồn cội, giai cấp, cảnh ngộ: đều là nông dân từ những vùng quê nghèo.

- Cùng chung chí hướng, nhiệm vụ: súng bên súng đầu sát bên đầu, cùng mang trong mình tình yêu nước, quyết tâm đấu tranh vì đất nước.

- Cùng nhau trải qua những gian khó: đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Câu 3 (Trang 130 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):

Những chi tiết, hình ảnh biểu lộ tình đồng chí, đồng đội tạo nên sức mạnh tinh thần của người lính cách mệnh:

- Sự cảm thông sâu xa những tâm tư, nỗi lòng của nhau: nỗi nhớ, lo lắng cho quê nhà, giếng nước, gốc đa, những hình ảnh thân thương, giản dị đều mang nỗi xót xa Ruộng nương anh gửi bạn thân cày... nhớ người ra lính.

- Chia sẻ gian khó, thiếu thốn Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá... Chân không giày; có những khoảnh khắc cùng trải qua khổ đau từng cơn ớn lạnh, sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Câu 4 (Trang 130 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):

- Người lính và trận chiến trong ba câu thơ cuối: trận chiến gian khổ, đầy khó khăn, người lính cũng thật quả cảm, đoàn kết vượt qua sương muối giá buốt.

- Vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh:

+ Vẻ đẹp hiện thực: tình đồng chí sát cánh bên nhau, giữa rừng hoang sơ vẫn ấm lòng sẵn sàng đấu tranh.

+ Vẻ đẹp lãng mạn: đầu súng trăng treo là hình ảnh thơ tuyệt đẹp, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa gần vừa xa, bên cạnh ngọn súng chính là vầng trăng thơ mộng, lửng lơ như niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng.

Câu 5 (Trang 130 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):

Tác giả đặt tiêu đề “Đồng chí” vì toàn bộ nội dung bài thơ đều xoay quanh việc làm nổi bật vẻ đẹp của những người đồng chí, là những người cùng chung chí hướng, cùng lí tưởng, cùng chung tình yêu đất nước.

Câu 6 (Trang 130 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):

Người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp giản dị mà cao cả, có tinh thần chịu đựng gian khổ, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc, vì một lí tưởng cao đẹp.

Luyện tập

(Trang 131 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1): Viết một đoạn văn trình bày..

Cảm nhận về đoạn thơ cuối bài thơ “Đồng chí”:

Đoạn cuối bài thơ sở hữu một vẻ đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn. Hiện thực ở cảnh rừng hoang sơ, ở người lính canh phòng chờ giặc, ở đầu súng nằm trong bàn tay cứng cỏi của người chiến sĩ. Đồng thời những hình ảnh ấy cũng thật lãng mạn bởi tình đồng chí sưởi ấm không gian lạnh giá, khi mảnh trăng lửng lơ trên đầu ngọn súng. Một hình ảnh thật đẹp, thật thơ mộng, cây súng biểu tượng chiến tranh và mảnh trăng biểu trưng cho hòa bình, cho một tương lai tươi đẹp đang chờ đợi phía trước.