Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều) - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1
Bố cục đoạn trích:
- 6 câu thơ đầu: Miêu tả khung cảnh cũng như bi kịch của nội tâm.
- 8 câu thơ tiếp: Nói về nỗi nhớ người thân.
- 8 câu thơ cuối: Thể hiện tâm trạng buồn lo của Kiều.
Đọc hiểu văn bản:
Câu 1 (Trang 95 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
Khung cảnh thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu:
- Không gian: mênh mông, hoang vắng, đơn độc, bốn bề bát ngát, cồn cát im lìm, dãy núi nhấp nhô, ánh trăng làm bạn.
- Thời gian: miêu tả từ sáng sớm đến đêm khuya, sự quay vòng của thời gian.
- Kiều đang bị giam lỏng, đơn độc, mất tự do nơi cảnh vật hữu tình thơ mộng mà hoang vắng.
Câu 2 (Trang 95 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
8 câu thơ tiếp:
a. Trong hoàn cảnh bị giam lỏng, nàng nhớ về Kim Trọng, sau đó nhớ về cha mẹ. Thứ tự như vậy là hợp lí, bởi vì với cha mẹ, nàng đã gặp trước lúc cách xa, nàng cũng đã bán mình để cứu cha nên cũng vơi bớt nỗi lo. Nhưng với người nàng yêu thương, Kim Trọng, chàng chưa hay tin gì về gia biến nhà nàng và nàng đau đớn, day dứt vì không giữ được lời thề.
b. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh: nhiều hình ảnh ước lệ chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử... , từ ngữ diễn tả được tâm trạng đau đớn, day dứt với Kim Trọng, nỗi xót xa, lo âu cho cha mẹ.
c. Thúy Kiều là một người tình chung thủy, là người con hiếu thảo. Nàng có tâm hồn cao đẹp, luôn nghĩ cho người khác ngay cả khi đang trong hoàn cảnh mất tự do, đơn độc.
Câu 3 (Trang 96 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
8 câu thơ cuối:
a. Cảnh vật là hư cấu, đó là tâm trạng của Kiều chứ không phải cảnh thực. Mỗi khung cảnh có nét riêng đồng thời lại có nét chung thể hiện tâm trạng của Kiều:
- Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định giống như số phận của nàng giữa biển đời vô hướng.
- Cánh hoa bị vùi dập tượng trưng cho số kiếp trôi nổi của nàng.
- Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời nàng tẻ nhạt.
- Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bão cuộc đời, một nỗi bàng hoàng lo sợ.
b. Cách sử dụng điệp ngữ:
Điệp ngữ “Buồn trông” được lặp lại bốn lần đặt ở đầu mỗi câu lục. Đôi mắt buồn nhìn bao trùm lên toàn bộ cảnh vật. Kết hợp miêu tả không gian từ xa đến gần, thu vào tâm tư người con gái nỗi đơn côi, sầu nhớ, đớn đau và lo sợ.
Luyện tập
Câu 1 (Trang 96 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1 ):
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là mượn việc miêu tả cảnh vật để (ngụ) gửi gắm tâm trạng. Cảnh không đơn thuần chỉ là cảnh mà còn biểu lộ tâm trạng con người. Lấy cảnh vật làm phương tiện diễn tả tâm trạng.
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối:
+ Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định như cuộc đời Kiều giữa biển đời vô hướng.
+ Cánh hoa bị vùi dập như số phận trôi nổi của nàng.
+ Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc của cuộc đời nàng tẻ nhạt.
+ Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bể cuộc đời, một nỗi hoang mang lo sợ.
Bài trước: Miêu tả trong văn bản tự sự - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1 Bài tiếp: Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1