Đoàn thuyền đánh cá - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1
Bố cục bài thơ:
- Phần 1: Hai khổ đầu: cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
- Phần 2: Bốn khổ thơ tiếp: cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.
- Phần 3: Khổ cuối: cảnh đoàn thuyền trở về.
Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (Trang 142 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
Trong bài thơ không gian được miêu tả khoáng đạt, bát ngát, rộng lớn.
Khoảng thời gian là từ hoàng hôn đến bình minh ngày hôm sau.
Câu 2 (Trang 142 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
- Hình ảnh người lao động cùng công việc của họ được tác giả miêu tả trong không gian rộng lớn của vũ trụ, giữa biển khơi bao la, tráng lệ.
- Biện pháp nghệ thuật sử dung: cảm hứng lãng mạn, bay bổng; các biện pháp liệt kê, so sánh, nhân hóa diễn tả được sự đa dạng của các loài cá, vẻ đẹp huyền diệu và sự giàu có của biển khơi, nổi bật lên là hình ảnh người lao động mới thật đẹp, thật hăng say, vẻ đẹp của con người hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên.
Câu 3 (Trang 142 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
Một số hình ảnh đặc sắc:
- Cảnh biển vào đêm vừa rộng lớn lại vừa gần gũi với con người:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Nhà thơ so sánh mặt trời giống như một hòn lửa đang từ từ lặn xuống biển. Trời và biển có sự giao thoa trọn vẹn. Mặt biển rộng mênh mông, mát mẻ kia sẽ làm cho "Hòn lửa" mặt trời dịu êm đi. Nhà thơ đã liên tưởng vũ trụ giống như một ngôi nhà lớn, có màn đêm là cánh cửa đồ sộ, những con sóng là then cửa cài chặt cánh cửa đêm đen. Vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi theo nhịp tuần hoàn của thời gian.
Câu 4 (Trang 142 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
- Đây là khúc ca về lao động, về tinh thần tự chủ và niềm vui hân hoan.
- Âm hưởng, giọng điệu của bài thơ: khỏe khoắn, sôi nổi, vui tươi bay bổng.
- Các yếu tố góp phần tạo nên âm hưởng cho bài thơ: cách gieo vần biến hóa, vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền, vần cách… tạo âm vang cho tinh thần lao động. Nhịp thơ có khi đầy sức trẻ, sức lao động, có khi hân hoan những chùm cá nặng.
Câu 5 (Trang 142 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1):
Trước thiên nhiên và con người lao động, tác giả đem đến một cái nhìn tươi mới, chứa chan xúc cảm hào hứng. Mỗi hình ảnh thơ đều mang đầy sức sống, niềm vui, cuốn theo tình yêu, mãnh liệt với biển khơi bát ngát, hùng vĩ, giàu có vô tận của nhà thơ: cánh cửa vũ trụ với hòn lửa mặt trời, cá bạc, cá thu, cá nhụ, cá chim, …, con người hăng say lao động. Đây chính là cái nhìn tin tưởng, đầy phấn khởi của nhà thơ trước cuộc đời mới.
Luyện tập
(Trang 142 Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1): Viết một đoạn văn...
Đoạn văn tham khảo:
- Phân tích khổ thơ đầu:
Bài thơ mở đầu với hình ảnh so sánh đặc sắc: Mặt trời xuống biển như hòn lửa. Không gian đang khép lại hiện lên mênh mông nhờ sắc đỏ rực của ánh mặt trời chiều hoàng hôn. Vũ trụ giống như một ngôi nhà lớn và sóng và đêm được nhân hóa biết cài then, sập cửa. Đêm đã buông xuống! Cả vũ trụ đang bước dần vào trạng thái nghỉ ngơi theo vòng tuần hoàn của thời gian. Nhưng biển thì không như vậy, biển đi cùng con người vào cuộc sống mới – một cuộc sống lao động hăng say phấn khởi. Con người tiếp nối làm chủ nhân thứ hai khi thiên nhiên đã an giấc nghỉ ngơi: Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi – Câu hát căng buồm cùng gió khơi. Tiếng hát tập thể hòa cùng tiếng sóng, thổi căng cánh buồm. Câu hát diễn tả niềm lạc quan, niềm tin của người lao động về một thành quả bội thu với tinh thần lao động hăng say.
- Phân tích khổ thơ cuối:
Bút pháp lãng mạn lần nữa được thể hiện bay bổng ở khổ thơ cuối. Câu hát đưa đoàn thuyền ra khơi nay lại theo đoàn thuyền mang cá trở về. Mặt trời lặn đi khi đoàn thuyền nhổ neo thì nay nhô màu mới khi đoàn thuyền trở về. Câu thơ thứ nhất trong khổ cuối lặp lại gần như nguyên vẹn với câu cuối khổ thơ đầu như một sự tiếp nối tự nhiên một công việc liên tục. Tất cả khẩn trương, phấn khởi trong cuộc đua giữa con người và vũ trụ, tầm vóc người lao động cao hơn, to lớn hơn. Điều đặc biệt ở đây là khổ thơ cuối khép lại bằng hình ảnh thật rực rỡ, huy hoàng của triệu triệu mắt cá phơi trên muôn dặm biển khơi. Đó là thành tựu bội thu đã được gợi mở ở khổ thơ đầu.
Bài trước: Nghị luận trong văn bản tự sự - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1 Bài tiếp: Bếp lửa - Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 Tập 1