Trang chủ > Lớp 11 > Soạn Văn 11 (siêu ngắn) > Soạn bài: Tôi yêu em (Pu-Skin) (trang 60 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)

Soạn bài: Tôi yêu em (Pu-Skin) (trang 60 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)

I. Đôi nét về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

a. Cuộc đời

– A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-vích Puskin (1799 – 1837), xuất thân trong một gia đình quý tộc mê thơ và biết làm thơ từ thuở học sinh.

– Ông là nhà thơ mở đầu, đặt nền móng cho văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX.

b. Sự nghiệp sáng tác

– Puskin có đóng góp trên nhiều mặt, nhiều thể loại, nhưng cống hiến vĩ đại nhất của ông vẫn là Thơ trữ tình với hơn 800 bài thơ và 13 bản trường ca bất hủ. Vì thế mà Puskin được xem là “Mặt trời của thi ca Nga” (Léc-môn-tốp).

– Về nội dung: thơ của Puskin thể hiện tâm hồn khao khát tự do và tình yêu của nhân dân Nga

– Về nghệ thuật: Puskin có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại.

2. Tác phẩm

a. Tác phẩm "Tôi yêu em" được sáng tác vào mùa hè năm 1829, trong một hoàn cảnh khi Puskin cầu hôn nhưng không được chấp nhận.

b. Bố cục của tác phẩm gồm 3 phần

Phần 1 (bốn câu đầu): Những tâm trạng dằng xé của nhân vật “tôi”.

Phần 2 (hai câu tiếp): Khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật “tôi”.

Phần 3 (còn lại): Sự cao thượng, chân thành của nhân vật trữ tình.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 60 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):

Điệp khúc "Tôi yêu em" là nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

- "Tôi yêu em" được tấu lên 3 lần, như tiếng lòng say đắm, mãnh liệt, bền vững của thi sĩ đối với người yêu.

- Bài thơ là lời từ giã cho mối tình không thành của Pu - skin dành cho người con gái xinh đẹp A. A. Ô - lê - nhi - na. Lời từ giã thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng nhưng vẫn đầy ắp một tình yêu nồng cháy, thiết tha và luôn mong cầu cho người anh yêu được hạnh phúc.

Câu 2 (trang 60):

- Giọng điệu trữ tình của bài thơ có sự chuyển biến từ câu 1-2 sang hai câu 3-4 như sau:

+ Nếu như ở câu 1-2 thì có sự rụt rè cân nhắc nhưng vẫn khẳng định được tình cảm của nhà thơ.

+ Thì đến câu 3-4 có sự can thiệp của lí trí khiến tình cảm bị chèn ép và nhà thơ nhận thức, quyết định từ bỏ để mang lại sự yên bình cho người mình yêu, để nàng không phải ″bận lòng thêm nữa″.

- Giọng điệu bài thơ có sự chuyển biến từ câu 5 - 6 sang hai câu 7 - 8 như sau:

+ Ở 4 câu này mạch thơ tuôn trào, không bị dồn nén như 4 câu trước.

+ Hai câu thơ 5- 6 thể hiện tình cảm đơn phương của nhà thơ, một tình cảm cô đơn, buồn tủi. Cùng với đó tác giả còn thể hiện sự ghen tuông của mình đối với người mình yêu.

+ Sang câu 7- 8, tác giả thể hiện sự từ bỏ tình yêu đơn phương đó, ý định rất cao thượng, chúc phúc cho người mình yêu. ⇒ cách ứng xử đẹp, đầy nhân văn.

- Diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế qua giọng điệu trữ tình chuyển biến từ các câu 1-2 sang 3-4 và từ 5-6 sang 7-8.

Câu 3 (trang 60):

Có thể nói hai câu kết là bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị bởi vì: khi yêu nhau, trong tình yêu người ta thường ích kỉ, ghen tuông và luôn muốn người mình yêu thuộc về chính mình mà thôi. Thế nhưng trong bài thơ thì Pu-skin không như thế. Pu-skin cầu chúc cho người mình yêu:

+ Thể hiện tình cảm chân thành của nhân vật tôi.

+ Thể hiện cung bậc cảm xúc cao nhất của tình yêu: chân thành, mãnh liệt, đằm thắm.

+ Lòng vị tha, cao thượng của nhân vật trữ tình đã vượt qua mọi ghen tuông, ích kỷ của bản thân để cho em được hạnh phúc như em mong muốn.

→ Trái tim độ lượng, chân thành, biết hi sinh trong tình yêu của nhân vật tôi.

⇒ Quan niệm nhân văn cao đẹp trong tình yêu.

Câu 4 (trang 60):

Qua bài thơ em thấy tác giả đã thể hiện thành công tình cảm yêu đương sôi nổi, chân thành, cao thượng của nhân vật trữ tình, một tình yêu âm thầm của một trái tim thủy chung, nhân hậu và vị tha. Pu-skin xứng đáng với tên gọi thân yêu của công chúng Nga: ″ Nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu″.