Trang chủ > Lớp 11 > Soạn Văn 11 (siêu ngắn) > Soạn bài: Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu) (trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Soạn bài: Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu) (trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Bố cục của bài gồm 3 phần:

Phần 1 (từ câu 1 đến câu 6): Lời đối đáp giữa ông Quán với Tử Trực và Vân Tiên.

Phần 2 (từ câu 7 đến câu 16): Lẽ ghét.

Phần 3 (các câu còn lại): Lẽ thương.

Câu 1 (trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1):

- Những đời vua mà ông Quán ghét: Đời Kiệt, Trụ mê dâm, Đời U, Lệ đa đoan, Đời Ngũ bá phân vân, Đời thúc quý - đều là những đời vua không anh minh, không hiền minh, chỉ ham mê tửu sắc, không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ khiến đời sống của nhân dân trăm bề khốn khổ.

- Những người mà ông Quán thương như: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ, thầy Liêm, Lạc → đây đều là những người học rộng, tài cao có lòng nhân, thương người, thương đời.

⇒ Cơ sở lẽ ghét thương: ghét những kẻ bất nhân, ích kỉ, bạo tàn; thương những người tài giỏi mà phận bạc, phải chịu khổ ải.

Câu 2 (trang 48):

- Ghét và thương được dùng trong phạm trù đối lập với nhau.

- Ghét và thương được lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi lần gắn với một nhân vật cụ thể trong lịch sử.

⇒ Với cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương, tác giả đã thể hiện, làm rõ quan điểm ghét, thương rành rọt, không mập mờ, lẫn lộn và đều sâu nặng, không nhạt nhòa, chung chung của chính mình,

Câu 3 (trang 48):

"Vì chưng hay ghét cũng là hay thương": Câu thơ đã gói trọn những tâm tư, tư tưởng của nhà thơ. Nhà thơ càng thương xót nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những người học rộng tài cao mà bất hạnh bao nhiêu thì càng cảm thấy thù ghét đối với những bạo ngược, bất công khiến người tài không có chỗ dụng tài, khiến nhân dân muôn bề lao khổ bấy nhiêu. Trong trái tim yêu thương mênh mông của nhà thơ, hai tình cảm yêu, ghét cứ đan cài, nối tiếp nhau hòa cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân, bởi "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Đó chính là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu.

Luyện tập

Câu thơ trong đoạn trích có thể thâu tóm toàn bộ ý nghĩa, tư tưởng và tình cảm của đoạn trích đó chính là câu: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.

⇒ Câu thơ như một lời giãi bày, giải thích về lẽ ghét thương. Câu thơ mang tư tưởng nhân đạo rất sâu sắc. Ghét không phải vì muốn ghét, vì căm tức mà lẽ ghét sinh ra từ lẽ thương. Càng thương cái tốt đẹp, nhân nghĩa bao nhiêu thì càng ghét cái bạo lực, hung tàn, ích kỷ bấy nhiêu.

Ý nghĩa

Đoạn trích đã nói lên những tình cảm yêu, ghét rất phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả đã sử dụng những lời thơ mộc mạc, chân chất nhưng luôn thấm đậm tình cảm và cảm xúc.