Soạn bài: Hai đứa trẻ (Thạch Lam) (trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Giới thiệu
“Hai đứa trẻ” là truyện ngắn kể về cuộc sống quẩn quanh, tù túng của hai chị em An và Liên nơi phố huyện nghèo. Hai chị em hằng đêm cùng nhau đợi chuyến tàu đêm từ Hà Nội chạy qua phố huyện, đó là sự kiện huyên náo duy nhất trong ngày.
Bố cục của tác phẩm gồm 3 phần:
Phần 1 (từ đầu đến “nhỏ dần về phía làng”): Cuộc sống nơi phố huyện khi chiều xuống.
Phần 2 (tiếp theo đến “có những cảm giác mơ hồ không hiểu): Cuộc sống phố huyện khi đêm đến, hai chị em Liên đợi tàu.
Phần 3 (đoạn còn lại): Đoàn tàu chạy qua phố huyện nghèo.
Câu 1 (trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
* Cảnh vật trong truyện được miêu tả trong thời gian và không gian cụ thể như sau:
+ Thời gian: dịch chuyển từ chiều đến đêm và về khuya.
+ Không gian: xây dựng trên sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, không gian là nơi phố huyện nhỏ, nghèo khổ và tối tăm.
Câu 2 (trang 101):
Thạch Lam đã miêu tả cuộc sống và hình ảnh của những người dân sống nơi phố huyện như sau:
+ Cuộc sống nơi phố huyện:
- Yên ắng và buồn: chiều êm ả như ru, tiếng ếch nhái văng vẳng kêu, …không có hoạt động gì diễn ra trừ chuyến tàu đêm chạy qua.
- Nơi đây, cuộc sống mọi người rất nghèo: chợ vãn, trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía.
+ Hình ảnh người dân phố huyện: Nghèo khổ, vất vả mưu sinh, sống cầm cự, quẩn quanh.
- Những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể dùng được.
- Mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, bác Siêu, …mấy người phu gạo, phu xe, chú lính lệ, …
- Hai chị em Liên với sạp hàng con con.
Câu 3 (trang 101):
Tâm trạng của hai chị em Liên và An trước khung cảnh và bức tranh đời sống nơi phố huyện:
+ Trước khung cảnh thiên nhiên: hai chị em man mác buồn, có chút mơ hồ không hiểu.
+ Trước bức tranh đời sống: thấy thương những con người nơi đây, thương cả chính mình. Hai chị em luôn nhớ về cuộc sống tươi đẹp ở Hà Nội trong quá khứ.
Câu 4 (trang 101):
+ Hình ảnh đoàn tàu trong truyện được miêu tả cụ thể: Đoàn tàu chỉ hoạt động duy nhất ở phố huyện, đoàn tàu vụt qua, đèn trong toa sáng trưng, đồng và kền lấp lánh, các cửa kính sáng, chuyến tàu không đông như mọi khi.
+ Hai chị em Liên và An cố thức để đợi tàu đi qua phố huyện bởi vì: đó là hình ảnh duy nhất về cuộc sống rực rỡ ánh sáng, đầy hạnh phúc ở Hà Nội, cuộc sống mà chị em Liên rất mong nhớ; chuyến tàu cũng là hoạt động duy nhất khiến phố huyện thoát khỏi cái quẩn quanh, u tối, bế tắc dù chỉ trong chốc lát.
Câu 5 (trang 101):
* Nhận xét về nghệ thuật miêu tả và giọng văn của Thạch Lam:
+ Nghệ thuật miêu tả: miêu tả chi tiết, cụ thể, vẽ nên bức tranh đối lập, tương phản giữa ánh sáng và bóng tối.
+ Giọng văn: đậm chất trữ tình, nhẹ nhàng, đầy thương cảm với số phận người lao động.
Câu 6 (trang 101):
Qua truyện ngắn "Hai đứa trẻ", nhà văn Thạch Lam muốn bày tỏ niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối trước Cách mạng tháng Tám.
Luyện tập
Câu 1 (trang 101):
- Qua truyện ngắn em có ấn tượng nhất với hình ảnh bà cụ Thi điên
+ Hình ảnh bà cụ Thi điên xuất hiện chớp nhoáng nhưng dường như là sự báo hiệu cho kết cục của cuộc sống luẩn quẩn, bế tắc nơi phố huyện, báo hiệu cho chính tương lai của Liên.
- Chi tiết nghệ thuật mà em ấn tượng nhất chính là hình ảnh đoàn tàu đêm chạy qua phố huyện.
+ Hình ảnh đoàn tàu mang tính biểu tượng sâu sắc, thể hiện khát khao về cuộc sống tươi sáng của nhân vật Liên, thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Câu 2 (trang 101):
Nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam:
- Phân tích tâm lí nhân vật một cách tinh tế và sâu sắc.
- Giọng văn tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng, trữ tình.
- Sử dụng thủ pháp đối lập tương phản ánh sáng – bóng tối trong miêu tả.
- Kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, giữa chất hiện thực và chất lãng mạn.
Ý nghĩa của truyện
Bằng một truyện ngắn trữ tình có cốt truyện đơn giản, Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm thương xót đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ.
Bài trước: Soạn bài: Viết bài làm văn số 3 - Nghị luận văn học Bài tiếp: Soạn bài: Ngữ cảnh (trang 106 SGK Ngữ văn 11 tập 1)