Trang chủ > Lớp 11 > Soạn Văn 11 (siêu ngắn) > Soạn bài: Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng (trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Soạn bài: Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng (trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Câu 1 (trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

a. Trong câu thơ "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo" (Nguyễn Khuyến), từ “lá” được dùng theo nghĩa gốc, chỉ một bộ phận của cây, thường dẹt, mọc ra từ cành và thực hiện chức năng quang hợp cho cây.

b. Trong tiếng Việt từ lá còn được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau như:

- lá gan, lá phổi, lá lách: nghĩa chuyển, chỉ những bộ phận cơ thể người có hình dạng giống chiếc lá, thực hiện một số chức năng nhất định của cơ thể.

- lá thư, lá đơn, lá thiếp, lá phiếu, lá bài: nghĩa chuyển, chỉ những sự vật mỏng, dẹt.

- lá cờ, lá buồm: nghĩa chuyển, chỉ sự vật mỏng, được treo gắn vào một vật khác (thường là cột).

- lá cót, lá chiếu, lá thuyền: nghĩa chuyển, chỉ những vật mỏng, được làm từ tre, nứa.

- lá tôn, lá đồng, lá vàng, …: nghĩa chuyển, chỉ những sự vật đã được cán mỏng, dẹt từ kim loại.

Câu 2 (trang 74): Các từ có nghĩa gốc chỉ bộ phận cơ thể người như (đầu, chân, tay, miệng, óc, tim,... ) có thể chuyển nghĩa để chỉ cả con người. Đặt câu cụ thể như sau:

+ đầu: Đó là một cái đầu rất lắm toan tính.

+ óc: Quả là một bộ óc siêu việt.

+ chân: Tôi đã dành được một chân trong cuộc thi olympic toán học.

+ miệng: Cái miệng nhiều lời, vô duyên này luôn khiến người khác khó chịu.

Câu 3 (trang 75): Các từ có nghĩa gốc chỉ vị giác có khả năng chuyển nghĩa để chỉ đặc điểm âm thanh (giọng nói), chỉ tính chất của tình cảm, cảm xúc.

+ chua: Những lời chua ngoa đó đã làm tổn thương đứa bé.

+ cay, đắng: Cuộc đời cô ấy đã trải qua rất nhiều cay đắng.

+ mặn: Thời tuổi trẻ lam lũ, vất vả đã đúc tạc nên tính cách mặn mòi, mạnh mẽ của chú ấy.

Câu 4 (trang 75): Từ đồng nghĩa với từ "cậy" và từ "chịu" trong câu thơ đã cho như sau:

+ Đồng nghĩa với "cậy" là: nhờ.

+ Đồng nghĩa với "chịu" là: nhận.

+Nguyễn Du đã không dùng các từ đồng nghĩa bởi nó không mang sắc thái biểu đạt cao, không thể hiện được sự tha thiết, khẩn khoản trong lời nói của Kiều.

Câu 5 (trang 75):

a. Nhật kí trong tù canh cánh một tấm lòng nhớ nước.

b. Anh ấy không liên can gì đến việc này.

c. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Ý nghĩa

Bài học nhằm nâng cao nhận thức về nghĩa của từ trong sử dụng, giúp học sinh có ý thức và kĩ năng chuyển nghĩa từ, lựa chọn từ ngữ phù hợp, chính xác cho từng hoàn cảnh giao tiếp.