Soạn bài: Chí Phèo - Phần 2: Tác phẩm (trang 155 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Giới thiệu
“Chí Phèo” là câu chuyện về cuộc đời bi kịch, về số phận bị đẩy đến bước đường tha hóa của nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo vốn là một anh nông dân hiền lành, chất phác đã bị xã hội phong kiến thực dân nhào nặn thành một con quỷ dữ. Cuối cùng, kết thúc cuộc đời, Chí Phèo vẫn không thể đòi lại quyền làm người, hắn chết trên ngưỡng cửa làm người trong đau đớn và xót xa.
Bố cục của tác phẩm gồm 3 phần:
Phần 1 (từ đầu đến “không ai biết”): Sự xuất hiện của Chí Phèo thông qua tiếng chửi.
Phần 2 (tiếp theo đến “Không bảo người nhà đun nước, mau lên”): Chí Phèo trượt dài trên con dốc tha hóa.
Phần 3 (đoạn còn lại): Chí Phèo gặp thị Nở, thức tỉnh lương tâm và cuối cùng giãy giụa trên ngưỡng cửa đòi quyền làm người.
Câu 1 (trang 155 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Cách vào truyện của Nam Cao vô cùng độc đáo.
+ Nam Cao vào truyện bằng cách miêu tả luôn tiếng chửi của Chí Phèo.
+ Tiếng chửi báo hiệu sự xuất hiện của một nhân vật không mấy tốt đẹp. Qua tiếng chửi ấy báo hiệu hắn là một người bị cả đồng loại xa lánh, ruồng rẫy, một kẻ nát rượu, đáng sợ.
Câu 2 (trang 155):
+ Việc gặp gỡ thị Nở khiến Chí Phèo nhìn thấy cơ hội được trở lại con đường lương thiện. Gặp Thị Nở chính là chiếc phao cứu sinh duy nhất của đời hắn.
+ Từ khi nhận được sự quan tâm của Thị Nở tâm hồn Chí Phèo có nhiều thay đổi:
- Hắn, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, biết sợ rượu.
- Hắn nghe thấy những thanh âm của cuộc đời tươi đẹp.
- Hắn biết mình có tuổi.
- Hắn nhận ra mình cũng có ước mơ, hắn nhớ về ngày xưa.
- Hắn muốn làm người lương thiện.
Câu 3 (trang 155):
* Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối sống chung:
- Chí Phèo đầu tiên như thoáng ngửi thấy hơi cháo hành.
- Hẳn ngẩn ra rồi đến sửng sốt.
- Hắn kéo thị lại rồi muốn nằm ra ăn vạ nhưng lại thấy mình chưa thật say.
- Hắn uống cho say rồi muốn trả thù.
=> Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến, giết Bá Kiến bởi đó là lúc Chí Phèo nhận ra cuộc đời hắn vì đâu mà khổ, hắn phải đòi lại cái quyền làm người, quyền sống lương thiện.
Câu 4 (trang 155):
Nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao trong việc xây dựng nhân vật Chí Phèo:
+ Tính cách: Chí Phèo có tính cách đặc biệt, độc đáo, là con quỷ của làng Vũ Đại, là kẻ chuyên ăn vạ đòi nợ thuê, lè nhè say khướt suốt ngày.
+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật:
- Khắc họa qua ngoại hình: dữ tợn, hệt như quỷ dữ.
- Khắc họa qua ngôn ngữ: tiếng chửi, lời nói.
- Khắc họa qua hành động.
+ Nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật của Nam cao rất tinh tế, sâu sắc. Tâm lý nhân vật phức tạp nhiều cung bậc được Nam Cao thể hiện bằng ngòi bút hiện thực đỉnh cao.
⇒ Nhân vật hiện lên cô cùng sống động, thật như một số phận ở ngoài đời.
⇒ Dù rất riêng, rất đặc sắc nhưng Chí Phèo lại mang tính đại diện cho một hạng người, một số phận người trong xã hội phong kiến nửa thực dân: đó là những người nông dân bị dồn vào đường cùng tha hoa, quằn quại trước bi kịch muốn được làm người.
Câu 5 (trang 155):
* Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn Chí Phèo có những điều đặc sắc cụ thể:
- Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả: lạnh lùng, trung lập, gọi nhân vật là hắn, tên, thị.
- Ngôn ngữ của nhân vật đa dạng phong phú: độc thoại, đối thoại.
- Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật có những lúc thay thế, chuyển hóa, hòa nhập vào nhau.
Câu 6 (trang 155):
Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn Chí Phèo: Nói đến bi kịch bị tha hóa của người nông dân nhưng Nam Cao lại nhằm khẳng định cái đẹp đẽ, cái phẩm tính thiện lương trong nhân cách của họ, họ vẫn đấu tranh đến cùng trên con đường quay trở lại làm người, dù Chí Phèo là kẻ thất bại.
Luyện tập
Câu 1 (trang 156):
* Trong truyện ngắn "Đời thừa" - Nam Cao có viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.
Theo em quan điểm nghệ thuật của Nam Cao hết sức đúng đắn, nó thể hiện không chỉ tài năng mà còn là phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính trong tác giả.
Quan điểm này khẳng định: Văn chương là địa hạt của sự sáng tạo, văn chương không cho phép sự lặp lại, bắt chước giản đơn.
Câu 2 (trang 156):
Truyện ngắn Chí Phèo được coi là một kiệt tác của nên văn xuôi Việt Nam hiện đại bởi vì:
+ Chí Phèo có một nội dung đặc biệt, khai thác hình tượng người nông dân dưới góc nhìn riêng, mởi mẻ mà chưa một nhà văn nào trước và sau Nam Cao làm được.
→ Qua đó khẳng định bản tính lương thiện của người nông dân ngay trong khi họ bị vùi dập đến tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.
+ Nghệ thuật biểu hiện độc đáo, mang đậm dấu ấn của phong cách nhà văn.
- Xây dựng nhân vật điển hình.
- Nghệ thuật trần thuật.
Ý nghĩa
Chí Phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Qua đó, nhà văn kết án đanh thép xã hội tàn bạo ấy, đồng thời thể hiện niềm thương cảm, lòng nhân đạo đối với số phận những người nông dân.
Chí Phèo cũng đã thể hiện tài năng viết truyện bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng nhân vật điển hình, nghệ thuật trần thuật độc đáo.
Bài trước: Soạn bài: Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo) (trang 145 SGK Ngữ văn 11 tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu (trang 157 SGK Ngữ văn 11 tập 1)