Bài tập tự luận: Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở thực vật (phần 1) - Chuyên đề Sinh học 11
Câu 1: Tại sao cây trên cạn nếu bị ngập úng lâu ngày sẽ bị chết?
Hướng dẫn:
Đối với cây trên cạn, khi bị ngập úng thì rễ cây sẽ rơi vào trạng thái thiếu ôxi. Khi đó, quá trình hô hấp ở rễ bị ngừng trệ đồng thời các chất độc hại dần tích luỹ trong rễ gây huỷ hoại lông hút – bộ phận chuyên hoá với chức năng hút nước và muối khoáng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cây không hấp thụ được nước dẫn đến sự cân bằng nước trong cây bị phá huỷ và nếu kéo dài lâu ngày, cây sẽ bị chết.
Câu 2: Nếu một ống mạch gỗ bị tắc, dòng mạch gỗ có trong ống đó có thể tiếp tục đi lên phía trên được không? Giải thích vì sao?
Hướng dẫn:
Nếu một ống mạch gỗ bị tắc, dòng mạch gỗ có trong ống đó vẫn có thể tiếp tục đi lên phía trên.
Giải thích: Bởi nếu một ống mạch gỗ bị tắc, dòng mạch gỗ trong ống đó vẫn có thể tiếp tục đi lên bằng cách đi tắt ngang qua các lỗ bên, vào ống bên cạnh và di chuyển lên phía trên.
Câu 3: Cây trong vườn và cây trên đồi, cây nào có cường độ thoát hơi nước qua cutin mạnh hơn? Giải thích tại sao?
Hướng dẫn:
Giữa cây trong vườn và cây trên đồi, thì cây trong vườn có cường độ thoát hơi nước qua cutin mạnh hơn.
Giải thích:
Trên bề mặt lá, lớp cutin là bộ phận có tác dụng che chắn, giảm thiểu tác động bất lợi của ánh sáng mặt trời lên các bộ phận chức năng bên trong của lá. Có thể hiểu theo cách khác đó là lớp cutin được xem như một lớp cách nhiệt. Lớp cutin càng dày (tầng bảo vệ càng kiên cố) thì quá trình thoát hơi nước qua cutin diễn ra càng hạn chế và ngược lại. Mặt khác, càng sống ở những nơi thoáng đãng như vùng đồi thì ánh sáng trực tiếp chiếu xuống bề mặt lá càng mạnh và để thích ứng, lớp cutin sẽ càng dày để tăng khả năng bảo vệ và ngược lại, những cây sống ở trong vườn thì thường là cây ưa bóng, quen sống dưới ánh sáng tán xạ nên lớp cutin trên bề mặt lá thường rất mỏng. Vì vậy, cường độ thoát hơi nước qua cutin ở những cây sống trong vườn sẽ mạnh hơn so với cây trên đồi.
Bài tiếp: Bài tập tự luận: Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở thực vật (phần 2) - Chuyên đề Sinh học 11