Soạn bài: Thực hành về thành ngữ, điển cố (trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Câu 1 (trang 66 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
- Thành ngữ được sử dụng trong đoạn thơ đã cho đó là:
+ một duyên hai nợ
+ năm nắng mười mưa.
- Về cấu tạo: thành ngữ ngắn gọn, gồm hai vế đối xứng nhau về cả số từ lẫn từ loại (một duyên – hai nợ; năm nắng – mười mưa).
- Về ý nghĩa: biểu đạt cô đọng, hàm súc sự khó nhọc, vất vả, tần tảo sớm hôm của bà Tú.
Câu 2 (trang 66):
* Thành ngữ "Đầu trâu mặt ngựa":
- Tính hình tượng: trâu, ngựa ý chỉ súc vật, hàm ý chỉ những loại người thô lỗ, cục súc, hung hăng, thiếu tính người.
- Tính biểu cảm: thể hiện sự căm tức và khinh ghét.
- Tính hàm súc: chỉ bốn chữ nhưng lột tả được bộ mặt chung của xã hội rối ren, nhốn nháo.
* "Cá chậu chim lồng":
- Tính hình tượng: cá, chim là những con vật nhỏ bé lại còn bị nhốt trong chậu và lồng, chỉ hoàn cảnh sống tù túng, chật hẹp, kìm hãm con người, con người bị mất tự do, bị rào ngăn trước sau.
- Tính biểu cảm: khẳng định sự phi thường, khác biệt của Từ Hải
- Tính hàm súc: biều đạt ý muốn nói một cách ngắn gọn, súc tích.
* "Đội trời đạp đất":
- Tính hình tượng: thể hiện hành động ngang tàng, vùng vẫy, làm những điều lớn lao, phi thường.
- Tính biểu cảm: ngợi ca, khẳng định vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải.
- Tính hàm súc: thể hiện được sự phi phàm của con người Từ Hải chỉ bằng một thành ngữ.
Câu 3 (trang 66):
Điển cố là những từ, những cụm từ gợi nhắc đến những sự việc, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Điển cố thường ngắn gọn, hàm súc, thâm thúy, thường được dẫn lại để nói những việc tương tự trong thời điểm nói ra.
Câu 4 (trang 67): Tính hàm súc, thâm thúy của điển cố:
+ "Ba thu": điển cố trong Kinh Thi, chỉ một ngày không gặp mà dài như ba mùa thu đã qua. Qua đó nói lên nỗi tương tư, niềm thương nhớ da diết của Kim Trọng đối với Thúy Kiều.
+ "Chín chữ": điển cố trong Kinh Thi, chín chữ đó là: sinh, cúc, phủ, súc, trưởng, dục, cố, phục, phúc -> Khẳng định công ơn dưỡng dục của cha mẹ, thể hiện lòng biết ơn của Kiều đối với cha mẹ mình.
+ "liễu Chương Đài": Chương Đài là tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc), liễu chỉ người con gái họ Liễu, ý nói hỏi thăm người tình nhân cũ. Qua đó thể hiện nỗi lòng chua xót, mong nhớ khi nhớ về Kim Trọng của Thúy Kiều.
+ "mắt xanh": liên quan đến giai thoại về Nguyễn Nguyên Tịch, người đời Tấn, chỉ sự bằng lòng vừa ý -> Từ Hải ngỏ ý hỏi Thúy Kiều liệu đã có ai vừa ý hay chưa.
Câu 5 (trang 67): Thay thế thành ngữ bằng các từ ngữ thông thường, tương đương về nghĩa. Cụ thể như sau:
a. Thay thế: Này các cậu, đừng có mà ỷ mình có nhiều kinh nghiệm hơn mà bắt nạt người còn non nớt. Cậu ấy vừa mới đến, còn chưa quen thuộc, thông thạo mọi thứ, mình phải tìm cách giúp đỡ chứ.
b. Thay thế: Họ không đi tham quan, không đi thực tế kiểu cho vui, cho có mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường.
Nhận xét về sự khác biệt: Thay thế thành ngữ bằng những từ ngữ thông thường vừa làm cho câu văn thêm dài dòng, vừa khiến câu nói mất đi tính hình tượng và sắc thái biểu cảm.
Câu 6 (trang 67): Đặt câu với các thành ngữ như sau:
+ Khi sản phụ bước vào phòng sinh, người nhà đều mong mẹ tròn con vuông.
+ Cô ta đi guốc trong bụng tôi, hiểu hết những gì tôi muốn làm.
+ Hắn ta đã phản bội thầy của mình, hắn cho rằng trứng khôn hơn vịt được sao.
+ Những lời nói của cô giáo với nó chỉ như nước đổ đầu vịt.
+ Phải nấu sử sôi kinh thì anh ta mới thi đỗ kì này.
+ Con người nên biết dĩ hòa vi quý để làm cho mọi chuyện êm xuôi.
+ Hắn ta là kẻ lòng lang dạ thú, bỏ rơi cả cha mẹ mình.
+ Anh ta con nhà lính, tính nhà quan, vẫn bất chấp đòi mua chiếc xe xa xỉ đó dù bố mẹ không có đủ tiền.
+ Phú quý sinh lễ nghĩa nên tết nhất bây giờ, con người đem tặng nhau những món quà đắt tiền, xa xỉ mà quên mất những món quà truyền thống của quê hương.
+ Vì nhận nhầm người mà ông ấy bị nói ra nói vào là thấy người sang bắt quàng làm họ.
Câu 7 (trang 67): Đặt câu với các điển cố
+ Mỗi người đều có gót chân A-sin.
+ Vì quen thói ăn chơi mà cô ấy đã nợ như chúa Chổm.
+ Con người sống ở đời phải có chính kiến, đừng đẽo cày giữa đường.
+ Hắn ta là gã Sở Khanh, lừa gạt biết bao nhiêu cô gái nhẹ dạ cả tin.
+ Trai tráng nước nhà mang sức trai Phù Đổng, ra sức xây dựng đất nước.
Ý nghĩa
Học sinh được củng cố và nâng cao những kiến thức về thành ngữ, điển cố. Từ đó, học sinh biết lĩnh hội và sử dụng đúng thành ngữ, điển cố và phân tích được giá trị biểu hiện của những thành ngữ, điển cố thông dụng.
Bài trước: Soạn bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Phần 2: Tác phẩm (trang 65 SGK Ngữ văn 11 tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm) (trang 70 SGK Ngữ văn 11 tập 1)