Sông núi nước Nam (trang 64 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)
Câu 1 (trang 64 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1): Căn cứ vào lời giới thiệu sơ lược về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ở chú thích để nhận dạng thể thơ của bài Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) về số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần.
Trả lời:
Bài thơ Sông núi nước Nam thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt: 4 câu, mỗi câu 7 tiếng; hiệp vần ở cuối câu.
Câu 2 (trang 64): Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Vậy thế nào là một bản tuyên ngôn độc lập? Nội dung tuyên ngôn độc lập trong bài thơ này là gì?
Trả lời:
- Tuyên ngôn độc lập là lời tuyên bố về chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia.
- Nội dung Tuyên ngôn độc lập trong bài thơ này bao gồm:
+ Nước Nam thuộc chủ quyền người Nam, có vị vua riêng, nước Nam độc lập đã là phận định sẵn.
+ Kẻ thù có ý định xâm chiếm nhất định sẽ chuốc lấy thất bại.
Câu 3 (trang 64): Sông núi nước Nam là một bài thơ thiên về sự biểu ý (bày tỏ ý kiến). Vậy nội dung biểu ý đó được thể hiện theo một bố cục như thế nào? Hãy nhận xét về bố cục và cách biểu ý đó?
Trả lời:
- Nội dung biểu ý đó được thể hiện theo một bố cục như sau:
+ Hai câu đầu: nước Nam là của người Nam, điều đó đã được định ở sách trời.
+ Kẻ thù không được phép xâm phạm nếu không sẽ chuốc lấy bại vong.
- Nhận xét: bố cục bài rất lô-gic và chặt chẽ, nêu chủ quyền trước, sau đó thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Câu 4 (trang 64): Ngoài biểu ý, Sông núi nước Nam có biểu cảm (bày tỏ cảm xúc) không? Nếu có thì thuộc trạng thái nào? (lộ rõ, ẩn kín). Hãy giải thích tại sao em chọn trạng thái đó?
Trả lời:
Ngoài biểu ý, Sông núi nước Nam còn biểu cảm. Điều đó được bộc lộ trực tiếp mà kín đáo qua lời khẳng định, ngôn từ đanh thép, mãnh liệt, quyết tâm.
Các cụm từ: “tiệt nhiên”, “định phận tại thiên thư”, “hành khan thủ bại hư”, có giọng điệu thể hiện khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất của dân tộc
Câu 5 (trang 64):
- Giọng điệu bài thơ qua ngôn ngữ: dõng dạc, đanh thép, mang đầy tinh thần hào hùng dân tộc.
Luyện tập
Câu 1 (trang 65 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1): Nếu có bạn thắc mắc sao không nói là ”Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư’ (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?
Trả lời:
- Nếu có bạn thắc mắc như vậy em sẽ giải thích rằng: “Nam đế cư” nói “Nam đế” là một cách khẳng định đất nước có sông núi bờ cõi riêng, đất nước có chủ quyền. Không có chủ quyền thì không thể có “đế” được.
Hơn nữa, xưa kia các vua Tàu chỉ xem nước của họ là nước lớn và tự xưng là “đế” còn nước Nam ta cũng như các nước chư hầu chỉ là các nước nhỏ, vua chỉ được gọi là “vương”, vì vậy khi nói “Nam đế” là một cách xem nước ta cũng ngang hàng, cũng có chủ quyền như nước Tàu vậy.
Bài trước: Luyện tập tạo lập văn bản (trang 59 SGK Ngữ văn 7 tập 1) Bài tiếp: Phò giá về kinh (trang 68 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)