Trang chủ > Lớp 7 > Soạn Văn 7 (ngắn nhất) > Qua đèo ngang (trang 103 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)

Qua đèo ngang (trang 103 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)

Hướng dẫn soạn bài

Bố cục của bài thơ gồm 4 phần: đề - thực - luận - kết

- 2 câu đề: cái nhìn chung về cảnh vật

- 2 câu thực: miêu tả cuộc sống con người

- 2 câu luận: thể hiện tâm trạng tác giả

- 2 câu kết: nỗi cô đơn lên cao

Câu 1 (trang 103 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1): Căn cứ vào lời giới thiệu về thể thất ngôn bát cú Đường luật ở chú thích, em hãy nhận dạng thể thơ của bài Qua Đèo Ngang về số câu, số chữ trong câu, cách gieo vần, phép đối giữa câu 3, câu 4, câu 5 với câu 6.

Trả lời:

- Bài thơ Qua đèo ngang được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật: gồm 8 câu, mỗi câu 7 tiếng.

- Vần gieo cuối câu 1,2,4,6,8;

- Phép đối câu 3-4 (lom khom dưới núi – lác đác bên sông; tiều vài chú – chợ mấy nhà), câu 5-6 (nhớ nước đau lòng – thương nhà mỏi miệng, con quốc quốc – cái gia gia).

Câu 2 (trang 103): Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả ở thời điểm nào trong ngày? Thời điểm đó có lợi thế gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả?

Trả lời:

Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả lúc chiều tà (lúc ngày sắp tàn) – thời điểm này rất dễ gợi lên nỗi buồn, nỗi cô đơn trong lòng con người.

Câu 3 (trang 103): Cảnh Đèo Ngang được miêu tả gồm những chi tiết gì?

Trả lời:

Cảnh Đèo Ngang được miêu tả với không gian “xế tà”, cỏ cây, hoa lá, nhà cửa, con người vắng vẻ, tiếng kêu các loài chim gợi ra sự khắc khoải. Các từ láy lom khom, lác đác, các từ tượng thanh quốc quốc, gia gia càng gợi lên cảm giác hoang vắng, quạnh hiu.

Câu 4 (trang 103): Hãy nhận xét về cảnh tượng đèo Ngang qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan

Trả lời:

Cảnh tượng Đèo Ngang qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan hiện lên: um tùm cây cỏ, hoang sơ, thưa thớt, gợi buồn thể hiện tâm trạng cô đơn của tác giả.

Câu 5 (trang 103): Hãy hình dung tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang. Tâm trạng đó được thể hiện qua hai hình thức: mượn cảnh nói tình và trực tiếp tả tình như thế nào?

Trả lời:

Tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan khi đi qua Đèo Ngang:

- Mượn cảnh nói tình: mượn hình ảnh hoang vắng, thưa thớt con người nói lên nỗi hiu quạnh, mượn tiếng kêu mang âm vọng đất nước, gia đình để thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ nước.

- Trực tiếp tả tình: “Một mảnh tình riêng, ta với ta” – chỉ có cô đơn, buồn.

Câu 6 (trang 104): Nói đến mảnh tình riêng giữa cảnh: trời, non, nước bao la ở Đèo Ngang thì có gì khác với cách nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.

Trả lời:

- Không gian càng rộng, sự cô đơn, trống trải càng trở nên rõ nét, hình ảnh con người càng nhỏ bé, nỗi cô đơn càng nhân lên. Như vậy chắc chắn sẽ khác với cách nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.

Luyện tập

Câu 1 (trang 104): Tìm hàm nghĩa của cụm từ Ta với ta.

Trả lời:

Cụm từ ta với ta : Hai chữ “ta” trong cụm từ đều chỉ tác giả. Tác giả cô đơn, lạc lõng, chỉ có một mình, không có ai cùng chia sẻ.