Những câu hát châm biếm (trang 52 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)
Câu 1 (trang 52 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):
Bài 1 “giới thiệu” về “chú tôi” như thế nào? Hai dòng đầu có ý nghĩa gì? Bài này châm biếm hạng người nào trong xã hội?
Trả lời:
- Hình ảnh “chú tôi” ở bài 1 có những đặc điểm sau: nghiện rượu, nghiện chè, nghiện ngủ, lười biếng. (“Hay tửu hay tăm”; “Hay nước chè đặc”; “Hay nằm ngủ trưa”)
- Hai dòng đầu có ý nghĩa: Thể hiện một hình ảnh đối lập với nhân vật “chú tôi” được giới thiệu sau đó: một cô gái đẹp (cô yếm đào), hay lam hay làm.
- Bài này châm biếm hạng người ham chơi lười biếng trong xã hội.
Câu 2 (trang 52): Bài 2 nhại lại lời của ai nói với ai? Em có nhận xét gì về lời của thầy bói? Bài ca này phê phán hiện tượng nào trong xã hội? Hãy tìm những bài ca dao khác có nội dung tương tự.
Trả lời:
- Bài 2 nhại lại lời của thầy tướng số nói với cô gái đi xem bói.
- Lời của thầy bói hoàn toàn là những điều hiển nhiên mà ai cũng biết.
- Bài ca này phê phán: những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, lừa gạt người khác để kiếm tiền. Đồng thời bà ca cũng phê phán những người ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, tin vào những điều vô lý, phản khoa học.
- Những bài ca dao khác có nội dung tương tự như:
+ Nhà bà có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng
+ Số cậu là số đào hoa
Vợ cậu con gái, đàn bà mà thôi
Câu 3 (trang 52): Mỗi con vật trong bài 3 tượng trưng cho ai, hạng người nào trong xã hội xưa? Việc chọn các con vật để miêu tả, “đóng vai” như thế lí thú ở điểm nào? Cảnh tượng trong bài có phù hợp với đám tang không? Bài cao dao này phê phán, châm biếm cái gì?
Trả lời:
- Mỗi con vật trong bài 3 tượng trưng những người, hạng người trong xã hội xưa là
+ con cò: người có thân phận nhỏ bé – nông dân.
+ Cà cuống: những kẻ có vai vế, địa vị - lí trưởng, xã trưởng.
+ Chim ri: kẻ có kiếm chác chia phần – cai lệ, lính.
+ chào mào: người phục vụ tang lễ (kèn, trống).
+ chim chích: mõ làng rao tin.
- Việc chọn các con vật để miêu tả, “đóng vai” khiến cho cảnh tượng trở nên sinh động, lí thú. Bởi mọi hành động, đối tượng chỉ thấp thoáng chứ không chỉ cụ thể. Như vậy, việc châm biếm trở nên kín đáo.
- Nhận xét về cảnh tượng trong bài ca dao.
+ Cảnh tượng đó không phù hợp với đám tang - chủ yếu là từ phía những người đến dự đám.
+ Gia đình nhà cò ở trong tình cảnh đáng thương thê thảm: cha mẹ cò chết rũ ở trên cây, cò con lo lắng chuẩn bị mọi thứ cho đám tang – còn những kẻ khác thì lại tranh nhau đến để kiếm chác, chia phần, đánh chén một cách vô lối.
- Ý nghĩa phê phán của bài ca dao: Phê phán hủ tục ma chay ăn uống chia phần vô lí, làm khổ người dân.
Câu 4 (trang 52): Trong bài 4, chân dung “cậu cai” được miêu tả như thế nào? Em có nhận xét gì về nghệ thuật châm biến của bài ca dao này?
Trả lời:
- Trong bài 4, chân dung “cậu cai” được miêu tả: tưởng là quyền lực (“nón dấu lông gà”), tưởng là giàu có (“ngón tay đeo nhẫn”), nhưng thực chất ba năm mới được sai làm việc một lần, mà quần áo còn phải đi mượn đi thuê. Vậy có lẽ chiếc nhẫn kia cũng chỉ là đồ mượn.
- Nhận xét về nghệ thuật châm biếm của bài ca dao: xưng hô “cậu cai” (nịnh bợ, châm biếm), sự phóng đại và đối lập tạo nên hình ảnh châm biếm sâu sắc.
Luyện tập
Câu 1 (trang 53 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1): Nhận xét về sự giống nhau của 4 bài ca dao, em đồng ý với ý kiến nào?
Trả lời:
Em đồng ý với ý kiến c) Cả bốn bài đều có nội dung và nghệ thuật châm biếm.
Câu 2* (trang 53): Những câu hát châm biếm nói trên có điểm gì giống truyện cười dân gian?
Trả lời:
- Những câu hát châm biếm nói trên giống với truyện cười dân gian đó là: châm biếm, phê phán những thói hư tật xâu đáng cười đáng chê trong xã hội.
Bài trước: Những câu hát than thân (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1) Bài tiếp: Đại từ (trang 55 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)