Cách làm bài văn lập luận giải thích (trang 84 SGK Ngữ văn 7 tập 2)
* Viết các cách kết bài khác cho đề bài dưới đây:
Đề bài: Nhân dân ta có câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hãy giải thích nội dung câu tục ngữ đó.
Kết bài 1:
Câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" là một chân lí sống sâu sắc và tiến bộ không chỉ trong thời trước mà cả trong thời đại ngày nay nữa. Khi thế giới đang ngày càng có xu hướng mở rộng giao lưu thì với mỗi cá nhân việc đi để mà học những cái khôn lại càng trở nên cần thiết, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phải "đi cho biết đây, biết đó" để mà giao lưu, mà học hỏi, để học tập và làm việc tốt hơn.
Kết bài 2:
Tóm lại, "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" là một chân lí không bao giờ cũ. Ngày xưa người ta mong ước được đi đây, đi đó để vượt ra khỏi cái không gian chật trội của làng của xã. Ngày nay, trong một xã hội phát triển mạnh mẽ không ngừng, con người lại càng cần phải học hỏi, giao lưu. Đi nhiều "ngày đàng" để học lấy nhiều "sàng khôn" hơn nữa nếu không muốn bản thân, đất nước mình tụt hậu. Đó chính là trách nhiệm của mọi người nói chung và của bản thân mỗi chúng ta nói riêng.
Kết bài 3:
Làm thế nào để hiểu biết sâu rộng hơn, để tích lũy nhiều kiến thức hơn nữa? Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đã mang lại cho chúng ta câu trả lời vô cùng sâu sắc. Muốn hiểu biết, phải học hỏi, phải đi nhiều nơi. Càng đi nhiều, càng tích lũy nhiều. Đến nay câu tục ngữ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị.
Kết bài 4:
Như bạn biết đấy, cứ quanh quẩn một nơi, bạn chỉ như chú ếch thiếu hiểu biết kia. Phải đi đây đi đó, phải thoát khỏi cái ao làng, bạn mới thấy thế giới kì diệu như thế nào. Hãy đứng lên đi đi, mạnh dạn lên. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Câu tục ngữ đã được đúc kết từ ngàn đời nay vẫn giữ nguyên giá trị đúng đắn.
Bài trước: Sống chết mặc bay (trang 83 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2) Bài tiếp: Luyện tập lập luận giải thích (trang 87 SGK Ngữ văn 7 tập 2)