Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm (trang 138 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)
Câu 1 (trang 138 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):
Các yếu tố tự sự và miêu tả trong bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá được sử dụng kết hợp:
- Khổ 1: 2 câu đầu tự sự, 3 câu tiếp miêu tả.
- Khổ 2: tự sự (kể chuyện lũ trẻ cướp tranh) + biểu cảm
- Khổ 3: tự sự (kể về cảnh nhà trong đêm mưa) + miêu tả (tả gió, mưa, trời, …)+ biểu cảm (2 câu cuối)
- Khổ 4: biểu cảm
⇒ Ý nghĩa với bài thơ: khắc họa đậm nét tình cảnh khốn cùng của tác giả, bộc lộ ước vọng cao cả với dân chúng.
Câu 2 (trang 138):
a. - Yếu tố tự sự trong đoạn văn đó là: kể việc bố ngâm chân, rên mình đau nhức, bố đi sớm về khuya.
- Yếu tố miêu tả là: tả bàn chân bố bị bệnh, tả đồ vật đánh bắt cá và nghề cắt tóc.
- Cảm nghĩ của tác giả: "Bố ơi... thành bệnh"
- Nếu không có yếu tố tự sự và miêu tả thì yếu tố biểu cảm không thể bộc lộ vì không có đối tượng để gửi gắm.
b. Tình cảm chi phối tự sự và miêu tả như sau:
- Tình cảm khiến cho hình ảnh bàn chân dầm sương dãi nắng của bố không chỉ là hình ảnh đơn thuần mà còn chất chứa tình cảm yêu thương vô hạn mà con dành cho bố. Tự sự không chỉ là kể lại sự việc, miêu tả không chỉ là tả mà chúng nhằm mục đích khêu gợi cảm xúc.
Luyện tập
Câu 1 (trang 138):
Đoạn văn tham khảo:
Mùa thu năm ấy, gió lốc cuốn phăng ba lớp tranh nhà Đỗ Phủ, trận cuồng phong dữ dội đến mức làm mỗi mảnh tranh bay một nơi khác nhau. Lũ trẻ thôn nam thấy ông già yếu mà nỡ lòng cướp tranh đi mất. Nhà thơ bất lực trước cảnh cướp giật, gào thét đành ấm ức quay về. Đến đêm, mây, mưa kéo đến, trời mịt mù, căn nhà mất tranh nên dột đủ đường, có mền vải lâu năm bị con đạp rách, mưa vẫn ào ào không ngớt. Trong cảnh ấy, nhà thơ với lòng nhân đạo, vị tha cao cả luôn nghĩ đến “kẻ sĩ nghèo” khắp thiên hạ, mong ước nhà ngàn gian chở che dân chúng.
Câu 2 (trang 138):
Đoạn văn tham khảo:
Tuổi thơ tôi có một món quà vô cùng quý giá đó là chiếc kẹo mầm. Tôi vẫn nhớ như in những buổi sáng mẹ tôi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ màu vàng, rồi cũng có ít tóc rối, vo vo giắt lên mái hiên, rồi chị tôi cũng bắt chước như vậy. Ngoài đường bà cụ rao đổi tóc rối lấy kẹo. Những chiếc kẹo khéo léo quấn vào đầu que trông thật nhiều mà cho vào miệng lại xẹp lại. Đó là những chiếc kẹo mầm. Que kẹo mầm tuổi thơ mà mỗi khi nghe tiếng rao, tôi lại nhớ về mẹ.
Bài tiếp: Cảnh khuya, Rằm tháng giêng (trang 142 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)