Trang chủ > Lớp 7 > Soạn Văn 7 (hay nhất) > Tìm hiểu chung về văn nghị luận - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7

Tìm hiểu chung về văn nghị luận - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7

I. Nhu cầu nghị luận và văn bản nghị luận
1. Nhu cầu nghị luận
a. Em rất hay gặp các vấn đề và những câu hỏi tương tự như trên trong cuộc sống.
Ví dụ:
+ Ma túy là gì? Vì sao cần phải nói không với ma túy?
+ Môi trường là gì? Làm thế nào để gìn giữ và bảo vệ môi trường?
+ Rừng mang đến lợi ích gì cho chúng ta? Làm sao để bảo vệ rừng?
b. Những vấn đề và câu hỏi như thế này không thể dùng kiểu văn bản miêu tả, tự sự hay biểu cảm, mà cần phải dùng kiểu văn nghị luận vì văn nghị luận là một phương thức biểu đạt chính với các lí lẽ chặt chẽ, thuyết phục và có thể giải quyết thoả đáng vấn đề được đặt ra.
c. Thông qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình chúng ta thấy văn bản nghị luận thường được sử dụng như lời phát biểu, nêu ý kiến một bài xã hội, bình luận về một vấn đề nào đó của đời sống.
2. Thế nào là văn bản nghị luận?
a.
- Bác Hồ viết bài này nhằm mục đích: vạch rõ tình trạng dân trí chung của xã hội nước ta từ đó đề cập đến vấn đề cấp thiết là cần phải học tập, kêu gọi mọi người cùng học tập.
- Bài viết đưa ra những ý kiến:
+ Trong thời kì Pháp thuộc mọi người bị thất học để chúng dễ bề cai trị
+ Chỉ cho mọi người biết về lợi ích của việc học.
+ Kêu gọi mọi người học chữ (lưu ý các đối tượng).
- Thể hiện thành những luận điểm:
+ Tình trạng thất học, lạc hậu trước Cách mệnh tháng Tám.
+ Những điều kiện bắt buộc cần phải có để người dân tham gia xây dựng đất nước.
+ Những khả năng thực tế trong việc chống lại nạn thất học.
- Những câu văn mang luận điểm chính của bài văn:
+ "Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí"
+ "Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, nghĩa vụ của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. "
b. Để tạo sức thuyết phục cho bài viết, người viết đã triển khai những luận điểm chính với các lí lẽ vô cùng chặt chẽ:
+ Trước Cách mệnh tháng Tám, dưới ách đô hộ của chính quyền thực dân, nhân dân ta phải chịu cảnh thất học, mù chữ;
+ Nay đất nước đã dành được độc lập; để xây dựng đất nước thì không thể không học, mọi người cần phải biết đọc, biết viết;
+ Biến việc học trở thành việc làm rộng khắp, với nhiều hình thức cụ thể có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi.
c. Tác giả không thể thực hiện được mục đích của mình bằng văn kể chuyện, miêu tả hay biểu cảm được. Sức thuyết phục chỉ có thể được tạo nên từ hệ thống các luận điểm, trình bày với lí lẽ lôgic, chặt chẽ. Nhiệm vụ giải quyết vấn đề đặt ra đòi hỏi cần phải sử dụng nghị luận.
II. Luyện tập
Câu 1:
a. Văn bản đã cho là một văn bản nghị luận. Tác giả bàn đến vấn đề tập những thói quen tốt, loại bỏ những thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
b. Tác giả đề xuất ý kiến: "Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội"
- Các câu văn thể hiện ý kiến trên là:
+ Có người biết phân biệt giữa tốt và xấu, nhưng vì nó đã trở thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa.
+ Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo ra một nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.
- Các lí lẽ và dẫn chứng:
+ Trong cuộc sống, có những thói quen tốt (ví dụ: dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách... ) và có những thói quen xấu;
+ Cái gì đó một khi trở thành thói quen thì rất khó sửa;
+ Những thói quen xấu sẽ gây hại đến cộng đồng, tác động tiêu cực đến môi trường sống; (ví dụ: Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự; vứt rác bừa bãi, ... )
+ Cần tự xem lại mình để loại bỏ đi những thói quen xấu, tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.
c. Vấn đề mà bài viết trên bàn luận đúng với thực tế của đời sống. Một vấn đề rất có ý nghĩa đối với mọi người, đối với xã hội nhằm xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự, có văn hoá.
Câu 2: Bố cục của bài văn gồm 3 phần:
+ Mở bài: Đoạn 1 - Nêu vấn đề thói quen xấu và thói quen tốt.
+ Thân bài: Đoạn 2,3,4 - Tác hại của những thói quen xấu và việc cấp thiết phải loại bỏ thói quen xấu).
+ Kết bài: Đoạn cuối - Kêu gọi mọi người loại bỏ những thói quen xấu, tự điều chỉnh bản thân để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.
Câu 3: Sưu tầm hai đoạn văn nghị luận và chép vào vở.
Câu 4:
Mặc dù có sử dụng yếu tố tự sự nhưng văn bản trên vẫn là một văn bản nghị luận. Kể chuyện "Hai biển hồ" là để luận bàn về hai cách sống: cách sống chỉ biết giữ cho riêng mình và cách sống biết sẻ chia cùng mọi người. Hình ảnh hai biển hồ mang ý nghĩa tượng trưng cho hai cách sống đối lập nhau ấy.