Trang chủ > Lớp 7 > Soạn Văn 7 (hay nhất) > Luyện tập viết đoạn văn chứng minh - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7

Luyện tập viết đoạn văn chứng minh - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7

Đề 1: Tục ngữ có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Nhưng có bạn nói: Nếu không có ý thức học tập thì chắc gì đã có "sàng khôn" nào! Hãy nêu ý kiến của riêng mình và chứng minh cho ý kiến đó.
Gợi ý:
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là một câu tục ngữ quả là không sai. Tuy nhiên, đối với những người không có ý thức, tinh thần học hỏi thì dù có “đi một ngày đàng” cũng trở nên thiếu ý nghĩa. Dân gian ta vẫn truyền miệng câu tục ngữ ấy nhằm khuyên bảo mỗi người không chỉ nên thu mình trong một vòng tròn nào đó mà cần phải thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn, đi đến nhiều nơi, học hỏi thêm nhiều điều. Có như vậy mới trưởng thành hơn, thu được “sàng khôn”. Thế nhưng nếu đi mà không có ý thức học tập thì chẳng khác nào ngồi học mà không để tâm. Kết quả cũng sẽ chẳng thu được gì. Bạn đã bao giờ lặng lẽ nhìn quả táo rơi mà tự hỏi lí do tại sao Niu-tơn phát hiện trọng lực chưa. Hay đang ngồi trong lớp mà bạn nhìn ra ngoài cửa sổ, để mặc cô giáo giảng bài hăng say, cuối cùng đến cuối buổi học bạn cũng có tiếp thu bài được không? Nhưng nếu không “đi”, làm sao có thể trông thấy tận mắt cảnh đẹp vùng Sa Pa ảo ảnh, Đà Lạt nên thơ, ... Vậy nên bạn à, hãy “đi một ngày đàng” với ý thức học tập để thu được “sàng khôn” cho mình nhé.
Đề 2: Chứng minh rằng văn chương "gây cho ta những tình cảm mà ta không có".
Gợi ý:
Văn chương là sợi dây truyền cho ta niềm vui, nỗi buồn, cho ta cảm xúc và sự rung động. Có thể bạn chưa từng đến kỳ quan Đệ nhất động Phong Nha, bạn cũng chưa từng biết đến dân tộc Anh-điêng vùng châu Mĩ. Thế nhưng bạn đã từng đọc bài viết về Động Phong Nha và Bức thư của thủ lĩnh da đỏ trong chương trình ngữ văn 6. Bạn có cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí khi đi vào khám phá từng hang động, thấy được sự thiêng liêng của Đất Mẹ đối với người dân bản địa. Những cảm xúc khi ấy liệu bạn còn nhớ chứ. Chúng ta - một thế hệ được sinh ra trong hòa bình làm sao thấu hiểu được cuộc sống lầm than khổ cực, nỗi đau mất mát của chiến tranh. Chính văn chương, chính những dòng chữ chứa đầy tâm tưởng của người đi trước mà thế hệ học sinh ngày nay mới cảm nhận được sâu sắc những gian khó, thêm lòng yêu quý, cảm phục với lịch sử dân tộc. Tất cả được tái hiện sinh động trong từng trang sách, tâm hồn chúng ta đã rung lên trước văn chương rồi.
Đề 3: Chứng minh rằng văn chương "luyện những tình cảm ta sẵn có".
Gợi ý:
Văn chương gây cho ta những tình cảm mà ta chưa có, đồng thời nó cũng luyện những tình cảm mà ta sẵn có. Bạn có nghĩ như vậy không? Văn chương dạy cho ta, giúp ta hiểu thêm ý nghĩa, giá trị của tình cảm gia đình là to lớn, là quan trọng nhường nào. Giúp mỗi học sinh chúng ta càng thấm thía hơn nỗi vất vả, tình yêu thương vô bờ của những bậc làm cha làm mẹ. Nhờ văn chương mà chúng ta biết trân trọng tình cảm bạn bè thiêng liêng, biết nuôi dưỡng và phát triển lòng yêu nước trong trái tim mỗi người. Những tình cảm ấy, có phải chúng ta đều đã có. Nhưng nhờ có văn chương và thông qua văn chương mà những tình cảm ấy trở nên sâu đậm hơn.
Đề 4: Chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân.
Gợi ý:
Nói dối là nói sai sự thật nhằm mục đích lừa dối người khác. Nói dối không chỉ gây hại cho người khác mà còn gây hại cho chính bản thân người nói. Nói dối sẽ khiến cho lòng tin của mọi người với ta bị mất đi, tự mình đánh mất chữ tín trong con mắt mọi người. Câu chuyện về chú bé chăn cừu là một ví dụ đáng suy ngẫm. Chỉ vì nói dối mà không còn ai tin lời khi cậu nói thật. Kết cục là khiến cho đàn cừu của cậu vì vậy mà bị chó sói xơi sạch. Nhiều đứa trẻ hay nói dối bố mẹ đi chơi điện tử, dần dần trở thành thói quen. Mà chúng ta đều đã biết trò chơi điện tử một mặt mang lại tác dụng giải trí nhưng mặt khác lại gây ra tác động tiêu cực như trẻ trộm tiền bố mẹ – thật tai hại biết bao, chơi nhiều và lâu cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần. Như vậy, sai lầm lại nối tiếp sai lầm, đó là một tai họa. Trong thực tế còn có rất nhiều trường hợp gây tác hại xấu vì nói dối, không chỉ người xung quanh mà còn với bản thân người đó.
Đề 5: Chứng minh rằng Bác Hồ luôn thương yêu thiếu nhi.
Gợi ý:
Từ những ngày còn học tiểu học, cho đến bây giờ, chúng ta vẫn luôn được học tập “5 điều Bác Hồ dạy”. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình thương yêu đặc biệt cho các cháu nhi đồng. Điều đó được thể hiện qua nhiều hành động và thơ văn của Bác. Mỗi dịp khai trường, Tết Trung Thu, Tết Thiếu nhi, Bác Hồ vẫn thường gửi thư cho các cháu thiếu nhi với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Trong những bài phát biểu trong Đại hội Đảng, Bác không quên đề cập đến tầm quan trọng của thiếu nhi với sự phát triển đất nước. Thơ văn của Bác cũng vậy, có ai còn không biết đến bài thơ nay đã được phổ nhạc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng …”. Bác có nhiều bài thơ viết riêng cho các cháu thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc, thắm thiết. Phải nói rằng, tình thương yêu của Bác dành cho thiếu nhi có thể sánh như tình cảm sâu nặng của Bác với Cách mạng.
Đề 6: Chứng minh rằng Bác Hồ là người yêu cây cối.
Gợi ý:
Bác Hồ – một tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị. Bác không chỉ là một người Cộng Sản, một vị lãnh tụ, Bác còn là một người cha già có tình thương vĩ đại. Từ nhân dân cho tới cây cối Bác đều yêu thương hết mực. Bác là người phát động và trực tiếp làm đất cho Tết trồng cây, Bác đi thăm rừng Cúc Phương, … Bác là người yêu mến thiên nhiên, Bác hiểu được vai trò to lớn của thiên nhiên, của cây cối với đời sống, với môi trường. Chẳng vậy mà Bác vẫn được nhân dân tôn là “người trồng cây vĩ đại”.
Đề 7: Chứng minh rằng cần phải chọn sách mà đọc.
Gợi ý:
Sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối đời sống con người, đọc sách là thói quen tốt cần được rèn luyện. Tuy nhiên không phải sách nào cũng nên đọc. Khi đọc sách chúng ta cần phải có sự chọn lựa kĩ càng. Đọc sách sao cho phù hợp với lứa tuổi, đúng mục đích, tránh những cuốn sách mang nội dung không lành mạnh là một vấn đề không dễ dàng. Việc đọc những cuốn sách không phù hợp có thể gây “hiệu ứng ngược”, làm cho người đọc sợ đọc hơn hoặc có những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Chẳng hạn như bắt một học sinh yếu đọc một cuốn sách nâng cao sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, trái lại có thể gây ra nỗi sợ với môn học đó. Trẻ con nếu vô tình đọc những trang sách dành cho người lớn có thể làm mất đi sự trong sáng hồn nhiên của trẻ. Bởi vậy, khi đọc sách cần phải chọn lọc kĩ càng.
Đề 8: Chứng minh rằng bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của con người.
Gợi ý:
Môi trường thiên nhiên là tất cả những gì mà tạo hóa ban tặng xung quanh chúng ta. Bảo vệ thiên nhiên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của con người. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Những cánh rừng ngàn cây lá che chắn ngăn dòng lũ, níu giữ những tấc đất, tránh sạt lở ở vùng đồi núi. Không những vậy, sự hô hấp của cây đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, bảo vệ tầng ôzôn, cung cấp ôxi cho bầu không khí trong lành hơn. Nước là thành phần không thể thiếu cho sự sống, đó là điều không cần bàn cãi. Đất là nơi con người sinh sống, canh tác, đất nuôi dưỡng con người. Không khí để cho con người hít thở, không khí ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu thiếu động thực vật, con người sẽ mất đi nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, chưa kể đến không khí từ cây xanh. Thiên nhiên chẳng khác gì người bạn thân thiết, gắn bó mật thiết với cuộc sống con người. Tuy vậy, thiên nhiên ngày nay đang bị phá hủy nặng nề, ô nhiễm nghiêm trọng. Việc bảo vệ là vấn đề vô cùng cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của tất cả mọi người. Hãy bảo vệ môi trường thiên nhiên - bảo vệ cuộc sống con người.