Trang chủ > Lớp 7 > Soạn Văn 7 (hay nhất) > Sự giàu đẹp của tiếng việt - Sách giáo khoa Ngữ văn 7

Sự giàu đẹp của tiếng việt - Sách giáo khoa Ngữ văn 7

Bố cục văn bản:
- Phần 1 (từ đầu cho đến "qua các thời kì lịch sử"): Khẳng định tiếng Việt là thứ ngôn ngữ hay và đẹp, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
- Phần 2 (đoạn còn lại): Những dẫn chứng chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (Trang 37 Sách giáo khoa ngữ văn 7 tập 2)
Phần 1 (đoạn 1,2): Tiếng Việt đẹp và hay (luận điểm chính, tổng quát)
Phần 2 (còn lại): Chứng minh sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt.
Câu 2 (Trang 37 Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 Tập 2)
Nhận định Tiếng Việt có đầy đủ những đặc sắc của một ngôn ngữ đẹp và hay được trình bày:
+ Câu mở đầu khẳng định giá trị và vị thế của tiếng Việt
+ Vế thứ hai, giải thích ngắn gọn cho nhận định ấy.
Câu 3 (Trang 37 Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 Tập 2)
Để chứng minh cho sự giàu đẹp của tiếng Việt, tác giả trình bày những ý kiến theo 2 cách thức: trực tiếp, gián tiếp.
+ Tiếng Việt là một ngôn ngữ tiếng đẹp, cái đẹp ở mặt ngữ âm
+ Ý kiến của một số người nước ngoài: ấn tượng của họ khi được nghe người Việt nói, nhận xét của những người am tường tiếng Việt như các giáo sư nước ngoài
+ Hệ thống nguyên âm và phụ âm phong phú, giàu thanh điệu
Câu 4 (Trang 37 Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 Tập 2)
Sự giàu có và phong phú của tiếng Việt được diễn đạt qua: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp
- Ngữ âm: Hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú, giàu thanh điệu
- Từ vựng: Giàu giá trị thơ, nhạc, họa, gợi hình, giàu nhạc điệu
- Ngữ pháp: tiếng Việt rất uyển chuyển, nhịp nhàng
+ Dẫn chứng: sự hài hòa về thanh điệu, sự phong phú về ngôn từ trong tác phẩmTruyện Kiều hoặc trong Chinh phụ ngâm, thơ của Tố Hữu…
⇒ Tác giả đã làm nổi bật sự giàu có của tiếng Việt, chính là sự sáng tạo các từ ngữ mới để phù hợp với sự phát triển của xã hội
Câu 5 (Trang 37 Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 Tập 2)
Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận ở bài viết này:
- Tác giả kết hợp hài hòa giữa chứng minh, giải thích, với bình luận
- Cách lập luận chặt chẽ: nhận định được đưa ra ngay phần mở bài, tiếp đó chứng minh
- Tác giả đã phải đưa ra một hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ: nêu nhận định chung rồi giải thích, chứng minh bằng nhiều phương thức linh hoạt
- Sử dụng biện pháp mở rộng câu nhằm mục đích làm rõ nghĩa giống như vừa ghi chú, vừa bổ sung thêm nhiều khía cạnh mới hoặc mở rộng vấn đề đang bàn luận.
Luyện tập
Câu 1 (Trang 37 Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 Tập 2): Sưu tầm, ghi lại một số ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.
+ Phạm Văn Đồng: "Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật. "
Câu 2 (Trang 37 Sách giáo khoa Ngữ Văn 7 Tập 2):Năm dẫn chứng chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt về ngữ âm và từ vựng trong các bài văn, thơ đã học hoặc đọc thêm ở các lớp 6,7.
- Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
(Tục ngữ)
- Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh.
(Lượm – Tố Hữu)
- Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Vô vàn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành binh
Đầy đường
(Mưa – Trần Đăng Khoa)
- Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
- Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện.
Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.
Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.
(Sông nước Cà Mau)
Ý nghĩa - Nhận xét
- Qua những lí lẽ, dẫn chứng chặt chẽ và toàn diện của tác giả, học sinh nhận thấy được sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều mặt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Đồng thời, học sinh còn nhận ra được những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của ngôn ngữ dân tộc, nó là một minh chứng hùng hồn cho sức sống của dân tộc.
- Học sinh từ bài học, thêm yêu mến ngôn ngữ dân tộc và có ý thức gìn giữ vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt.