Trang chủ > Lớp 7 > Soạn Văn 7 (hay nhất) > Thêm trạng ngữ cho câu - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7

Thêm trạng ngữ cho câu - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7

I. Công dụng của trạng ngữ
Câu 1: Xác định thành phần trạng ngữ:
a.
- Thường thường, vào khoảng đó
- Sáng dậy
- Trên giàn hoa lí
- Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong
b. Về mùa đông
Nếu lược bớt thành phần trạng ngữ của các câu trên thì chúng ta khó có thể hiểu được rõ ràng nội dung của chúng bởi vì không có thành phần trạng ngữ, chúng ta không hiểu được sự việc được diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh nào.
Trạng ngữ không phải là thành phần bắt buộc trong câu nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc biểu đạt. Đôi khi, vì thiếu đi trạng ngữ nên ý nghĩa của câu trở nên thiếu chuẩn xác, khó xác định, ví dụ: lá bàng đỏ như màu đồng hun. Nếu không gắn nội dung này với trạng ngữ chỉ thời gian Về mùa đông, thì sắc đồng hun của lá bàng nghe có vẻ là bất hợp lí bởi vì khi đó câu Lá bàng đỏ như màu đồng hun được hiểu như là nhận định chung về màu sắc của lá bàng, mà sự thật thì lá bàng chỉ có thể có màu đồng hun vào mùa đông thôi.
Câu 2: Khi viết một bài văn nghị luận, em phải trình bày các luận cứ theo một trình tự nhất định: sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian, trình tự quan hệ nguyên nhân - kết quả hay điều kiện - kết quả,... Đối với việc sắp xếp này, trạng ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc liên kết giữa các câu, các đoạn, góp phần làm cho văn bản chặt chẽ, mạch lạc.
II. Tách trạng ngữ thành câu riêng
- Có thể gộp câu (1) và câu (2) thành một câu có hai trạng ngữ:
Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào về tiếng nói của mình và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó.
Câu (2) có vốn là trạng ngữ của câu (1), người viết đã tách nó ra thành một câu riêng nhằm nhấn mạnh ý.
- Nếu gộp hai câu thành một thì sẽ làm giảm đi sắc thái nhấn mạnh thông tin để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của tiếng Việt.
III. Luyện tập
Câu 1: Tác dụng của các trạng ngữ trong đoạn trích:
- Xác định hoàn cảnh, điều kiện diễn ra sự việc nêu ở trong câu, giúp cho nội dung của câu được đầy đủ, chuẩn xác.
- Kết nối các câu, các đoạn với nhau giúp cho đoạn văn rõ ràng, mạch lạc.
Câu 2: Việc tách trạng ngữ thành câu riêng trong các ví dụ dưới đây có tác dụng gì?
a.
- Trạng ngữ: Năm 72.
- Tác dụng: nhấn mạnh thời điểm hi sinh của nhân vật được nhắc đến trong câu đứng trước.
b.
- Trạng ngữ: Trong lúc tiếng đờn vẫn khắc khoải vẳng lên những chữ dờn li biệt, bồn chồn.
- Tác dụng: làm nổi bật thông tin nòng cốt câu của câu; nhấn mạnh sự tương đồng của thông tin mà trạng ngữ biểu thị, so với thông tin nòng cốt của câu.
Câu 3
- Đoạn văn:
Dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn tự hào bởi vốn tiếng Việt giàu và đẹp. Đó là tiếng nói, điệu hồn dân tộc được kết tinh từ lịch sử trải qua bao đời. Ngày nay, chúng ta cũng chưa bao giờ thôi yêu quý và tự hào bởi thứ tiếng mẹ đẻ ấy. Với những đặc trưng của mình, Tiếng Việt có khả năng thể hiện tình cảm dạt dào, sinh động. Hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp phong phú cho phép ta được biến đổi, sử dụng linh hoạt. Càng yêu tiếng Việt, chúng ta càng cần phải gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của nó, xem nó như một tài sản quý giá của dân tộc để nâng niu, trân trọng.
- Trạng ngữ: Với những đặc trưng của mình (trạng ngữ chỉ cách thức), ngày nay (trạng ngữ chỉ thời gian)
- Cần thêm trạng ngữ để làm rõ thông tin cho câu, liên kết câu.