Rút gọn câu - Sách giáo khoa Ngữ Văn 7
I. Thế nào là rút gọn câu?
Câu 1:
Câu (a): không có chủ ngữ, các cụm động từ làm vị ngữ.
Câu (b): chủ ngữ là chúng ta, cụm động từ học ăn, học nói, học gói, học mở là vị ngữ
Câu 2: Có thể thêm các từ chúng tôi, người Việt Nam, chúng ta, các em, ... rất nhiều từ ngữ có thể làm chủ ngữ trong câu (a)
Câu 3: Chủ ngữ trong câu (a) được lược bỏ để cụm động từ vị ngữ "học ăn, học nói, học gói, học mở. " trở thành kinh nghiệm sống chung, lời khuyên chung, đúng cho tất cả mọi người.
Câu 4:
- Câu "Rồi ba bốn người, sáu bảy người. " vị ngữ được rút gọn; vì người ta có thể dựa vào câu đứng trước nó để xác định được vị ngữ của câu này là: đuổi theo nó.
- Câu "Ngày mai. " được rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ; vì người ta có thể dựa vào câu đứng trước nó để có thể hiểu được là: Tôi đi Hà Nội vào ngày mai. hoặc Ngày mai tôi đi Hà Nội.
II. Cách sử dụng câu rút gọn
Câu 1:
- Các câu "Chạy loăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co. " thiếu thành phần chủ ngữ.
- Không phải lúc nào việc rút gọn câu cũng hợp lí. Tuỳ tiện lược bỏ đi thành phần câu như những câu trên khiến cho lời văn trở nên cộc lốc, khó hiểu.
Câu 2:
Câu "Mẹ ơi, hôm nay được điểm 10. " không có thành phần chủ ngữ. Nói như vậy khiến cho câu văn trở nên khó hiểu (không biết ai được điểm 10); hơn nữa, nói với người bậc trên không nên xưng hô trống không như vậy. Câu "Bài kiểm tra toán. " dù cho thiếu vị ngữ nhưng vẫn có thể chấp nhận được nếu thêm vào những từ ngữ xưng hô lễ phép, chẳng hạn: Bài kiểm tra toán ạ! hoặc Bài kiểm tra toán mẹ ạ!
Câu 3: Như vậy, khi rút gọn câu chúng ta cần chú ý
- Tránh làm cho người nghe (đọc) khó hiểu hoặc hiểu sai nội dung cần truyền đạt;
- Tránh sự khiếm nhã, thiếu lễ phép khi sử dụng những câu cộc lốc.
III. Luyện tập
Câu 1:
- Các câu (2) và (3) là những câu rút gọn.
- Thành phần bị lược bỏ là thành phần chủ ngữ.
- Hai câu này, một câu nêu lên nguyên tắc ứng xử, một câu nêu kinh nghiệm sản xuất chung cho tất cả mọi người nên có thể rút gọn đi phần chủ ngữ làm cho câu gọn hơn.
Câu 2: Các câu rút gọn.
a. Rút gọn chủ ngữ
+ Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
+ Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
- Khôi phục:
Người bước tới và dừng chân đứng lại là Bà Huyện Thanh Quan, là tác giả của bài thơ, và dựa vào câu cuối cách xưng hô "ta với ta", nên chủ ngữ của hai câu rút gọn là ta:
+ Ta bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
+ Ta dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
b. Rút gọn chủ ngữ
+ Đồn rằng quan tướng có danh,
+ Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
+ Ban khen rằng: "Ấy mới tài",
+ Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
+ Đánh giặc thì chạy trước tiên,
+ Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra (!)
+ Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!
- Khôi phục:
+ Người ta đồn rằng quan tướng có danh,
+ Hắn cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
+ Vua ban khen rằng: "Ấy mới tài",
+ Và ban cho cái áo với hai đồng tiền.
+ Quan tướng khi đánh giặc thì chạy trước tiên,
+ Khi xông vào trận tiền cởi khố giặc ra (!)
+ Quan tướng trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!
Câu 3:
- Nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm: người khách và cậu bé không có chung đối tượng đề cập, người khách hỏi về bố còn cậu bé lại trả lời về tờ giấy mà bố để lại.
+ Cậu bé dùng những câu thiếu chủ ngữ để đáp lời người khách: "Mất rồi. ", "Thưa... tối hôm qua. ", "Cháy ạ. "
+ Từ chỗ hiểu lầm về chủ ngữ trong các câu nói của cậu bé là người bố của cậu, người khách cũng dùng những câu thiếu chủ ngữ để hỏi: "Mất bao giờ? ", "Sao mà mất nhanh thế? ", khiến sự hiểu lầm cứ tiếp diễn.
- Để tránh gây ra hiểu lầm như trong trường hợp trên, trong lúc nói chuyện chúng ta phải tránh dùng những câu rút gọn trong các trường hợp ý nghĩa của ngữ cảnh không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm cho người nghe.
Câu 4:
Chi tiết có tác dụng gây cười và phê phán là những câu trả lời của anh chàng tham ăn tục uống.
- Đây -> đáng lẽ phải là: Tôi là người ở đây.
- Mỗi -> đáng lẽ phải là: Nhà tôi chỉ có một con.
- Tiệt -> đáng lẽ phải là: Cha mẹ tôi đều đã khuất.
Anh ta rút gọn câu một cách quá đáng nhằm mục đích trả lời thật nhanh, để tránh mất thời gian ăn uống của mình.
Ý nghĩa: Phê phán thói tham ăn tục uống đến mất cả nhân cách, bất lịch sự với người khác, bất hiếu với cha mẹ.