Trang chủ > Lớp 10 > Soạn Văn 10 (ngắn nhất) > Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na) (trang 59 sgk Ngữ văn 10 tập 1)

Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na) (trang 59 sgk Ngữ văn 10 tập 1)

1. Tóm tắt sử thi:

Câu chuyện diễn ra tại vương quốc Kô-sa-la. Vua Đa-xa-ra-tha có 4 người con trai do 3 bà vợ sinh ra. Ra-ma là con cả có tài đức hơn hẳn các em. Vua cha có ý định truyền ngôi cho Ra-ma nhưng bà vợ thứ là Ka-kê-i đã nổi lòng ghen tức và nhắc lại chuyện ân nghĩa khi xưa. Nhà vua nghe lời Ka-kê-i đã ra lệnh đày Ra-ma vào rừng 14 năm và trao ngôi lại cho con trai của Ka-kê-i. Ra-ma đưa vợ là Xi-ta cùng em trai Lắc-ma-na vào rừng sống ẩn dật. Thời hạn 14 năm sắp hết nhưng một biến cố lớn đã xảy ra, quỷ vương Ra-va-na đã lập mưu cướp nằng Xi-ta mang về làm vợ. Mặc cho quỷ vương dụ dỗ và ép buộc thế nào, Xi-ta vẫn kịch liệt chống cự. Ra-ma được tướng khỉ Ha-nu-man giúp đỡ nên đã cứu được Xi-ta. Nhưng sau đó, Ra-ma nghi ngờ rằng Xi-ta bị quỷ vương Ra-va-na làm nhục và không muốn nhận lại nàng làm vợ. Để chứng tỏ cho sự trong sạch và chung thuỷ của mình, Xi-ta đã nhảy vào lửa. Thần lửa vì biết Xi-ta trong sạch nên đã cứu nàng. Ra-ma và Xi-ta cùng nhau trở về kinh đô, khiến cho con dân được sống trong sự êm ấm, thái bình.

2. Đoạn trích là thử thách cuối cùng của Ra-ma và Xi-ta trên con đường tìm kiếm danh vọng và hạnh phúc. Thông qua lối kể chuyện giàu kịch tính và nghệ thuật khắc họa tính cách tài tình, tác giả đã cho người đọc thấy được quan niệm của nhân dân ấn Độ cổ đại về người anh hùng, về về người phụ nữ lí tưởng trong xã hội và về đường quân vương mẫu mực.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1: Sau khi giành chiến thắng, trước sự chứng kiến của “mọi người” Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau

a, Công chúng đó bao gồm: anh em, bạn hữu của Ra-ma, đội quân của khỉ vương Va-na-ra, quan quân và dân chúng của loài quỷ Rắc-sa-xa => Đáp án D: Tất cả các đối tượng trên

b, Sự tác động của hoàn cảnh tới ngôn ngữ đối thoại và tâm trạng của các nhân vật:

- Nhân vật Ra-ma: Khi đứng trước rất đông người, thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội, Ra-ma đã không chỉ lấy tư cách là một người chồng mà còn trên tư cách là một vị anh hùng, một đức vua. Tư cách kép đó đã khiến Ra-ma phải có cách ứng xử và thái độ phù hợp. Chàng không thể nói rõ ra nguyên nhân của cuộc chiến kia chỉ đơn thuần là để giải cứu người vợ của mình, mà còn phải thêm lí do của cuộc chiến đó chính là để lấy lại danh dự của dòng tộc chàng (dù chàng có xót xa hay yêu thương cho người vợ thì vẫn phải giữ được bổn phận gương mẫu của một người lãnh đạo đất nước).

- Nhân vật Xi-ta: Xi-ta là vợ của Ra-ma cũng đồng thời là hoàng hậu của một nước. Lời của nàng nói ra không phải chỉ hướng là vào chồng nàng mà còn là hướng đến tất cả mọi người có mặt tại đó, do vậy mọi lời nói của nàng đều phải cẩn trọng, làm sao để mọi người có thể hiểu được tấm lòng của nàng đối với chồng của mình và giữ được sự cao quý của một vị hoàng hậu.

Câu 2:

a, Theo lời tuyên bố của Ra-ma thì chàng đã giao chiến với quỷ Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu hoàng hậu Xi-ta vì danh dự của người anh hùng bị xúc phạm khi quỷ Ra-va-na dám cướp vợ của chàng => Đáp án A

b, Ra-ma đã ruồng bỏ Xi-ta vì danh dự của người anh hùng không cho phép chàng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác ("Người đã sinh trưởng... một vật để yêu đương). Tuy nhiên cũng không phủ nhận một điều rằng trong thái độ ruồng bỏ Xi-ta của Ra-ma có "sự ghen tuông của một người chồng" => Đáp án C

c, Trong lời nói của mình, Ra-ma đã lặp đi lặp lại nhiều nhất các từ ngữ liên quan tới tài nghệ và đặc biệt là danh dự (“uy tín”, “tiếng tăm”, “nhân phẩm”, “gia đình cao quý”…) của đức anh hùng. Chàng ý thức được vai trò của chàng cũng như hiểu một cách sâu sắc các khuôn mẫu của xã hội để dân chúng noi theo. Do đó, dù cảm thấy đau khổ và yêu thương vợ của mình, Ra-ma vẫn phải ứng xử để giữ trọn bổn phận: trước mặt tất cả mọi người, chàng nén nỗi đau trong lòng để nói “những lời gay gắt khó tả”, những lời “tàn nhẫn chưa từng có” dù cho những lời nói đó có thể làm tổn thương đến vợ chàng, anh em hay bạn hữu của chàng (“nàng có thế để tâm đến…Vi-phi-sa-na cũng được”). Bên cạnh đó là sự bối rối, lúng túng và không đành lòng nơi chàng khi chàng nói, dù tỏ thái độ dứt khoát (“phải biết chắc điều này…”, “ta nói rõ cho nàng hay…”)

d, Khi Xi-ta đến bên giàn lửa, trong lòng của Ra-ma cũng trải qua những thử thách thật dữ dội, sự căng thẳng và có phần bất lực khi chỉ dám đứng nhìn người vợ mà mình yêu thương bước gần tới cái chết (“Vào lúc đó, chẳng có ai trong…mắt dán xuống đất).

Câu 3:

- Trong lời đáp của mình, Xi-ta từ sự đau đớn, mất tự chủ đến sự bình tĩnh và lấy lại được vị thế của một vị hoàng hậu (“Lấy tà áo lau nước mắt… nức nở, nàng nói), những lời nói của nàng dịu dàng nhưng cũng tràn đầy sức mạnh, có tình có lý:

+ Xi-ta đã khẳng định tư cách và phẩm hạnh của mình. Nàng đã nói những lời trách khi Ra-ma không suy xét chín chắn mà đã so sánh nàng ngang hàng với những người phụ nữ tầm thường: có thể những người phụ nữ kia sẽ thay lòng đổi dạ khi ở trong hoàn cảnh của nàng, nhưng nàng thì không. Xét cho cùng, một người phụ nữ đã từ bỏ cung điện xa hoa để cùng chồng vào rừng sâu chịu khổ, người con gái đã được sinh ra bởi Đất Mẹ không thể chịu cảnh bị đánh đồng với hạng phụ nữ tầm thường kia được.

+ Xi-ta phân biệt giữa sự phụ thuộc vào số mệnh của nàng, quyền lực của người khác và những điều trong sự kiểm soát của nàng: Việc nàng bị quỷ Ra-va-na bắt cóc và động chạm là xảy ra khi nàng bị ngất đi, đây là việc không trong sự kiểm soát của nàng. Còn trái tim và tình yêu, những thứ nàng chủ động được vẫn luôn dành trọn vẹn cho Ra-ma. Nàng nhắc lại việc Ha-nu-man đã ngỏ ý muốn cõng nàng tới gặp chồng nhưng nàng đã từ chối như một minh chứng rằng nàng hoàn toàn trong sạch.

- A-nhi – thần Lửa là một vị thần vô cùng quan trọng trong văn hóa của người dân Ấn Độ. Thần Lửa tồn tại ở khắp mọi nơi nên có thể chứng minh được mọi hành động tốt, xấu của con người đã làm. Nghi lễ thử lửa cũng vì thế mà được người dân Ấn Độ tin rằng có thể kiểm chứng được đức hạnh của người phụ nữ. Việc Xi-ta lựa chọn cách tự thiêu mình và lời cầu khấn trước thần Lửa là một phép thử để minh chứng cho sự trong sạch và tiết hạnh của bản thân, hành động này vừa bi thương mà lại hào hùng. Xi-ta đã nhờ tới thần Lửa để chứng minh cho phẩm tiết thủy chung của mình đối với người chồng ngay trước mặt tất cả mọi người, mang lại một cái kết đẹp hơn cho câu truyện.

Câu 4:

Chứng kiến cảnh Xi-ta bước chân vào giàn lửa đang cháy lớn đó là một cảnh tương đem đến cho người chứng kiến nhiều cảm xúc khó tả, mọi người ai nấy đều cảm thấy xúc động, thương xót cho nàng ("Ai nấy, già cũng như trẻ đau lòng đứt ruột... Những người phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương). Và có thể nói, hình ảnh của Xi-ta chính là hình mẫu cho một người phụ nữ hội tụ đầy đủ những phẩm chất lí tưởng của người phụ nữ Ấn Độ xưa.