Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự (trang 73 sgk Ngữ văn 10 tập 1)
Câu 1:
- Miêu tả là sử dụng ngôn ngữ (hay là một phương tiện nghệ thuật khác) để khiến người nghe (người đọc, người xem) có thể thấy con người, sự vật, hiện tượng như đang hiện ra trước mắt.
- Biểu cảm là thể hiện các tình cảm, cảm xúc của bản thân trước con người, sự vật, sự việc và hiện tượng trong đời sống.
Câu 2:
- Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự không giống hoàn toàn với biểu cảm trong văn biểu cảm, miêu tả trong văn bản miêu tả. Có sự giống nhau là chúng đều cùng làm cho sự vật trở nên rõ ràng, có hình dáng, sinh động và cảm xúc. Sự khác nhau giữa chúng được thể hiện rõ ràng thông qua mục đích sử dụng:
+ Miêu tả trong văn bản tự sự chỉ đóng vai trò là yếu tố phụ giúp văn bản thêm hấp dẫn, sinh động và lôi cuốn người đọc hơn
+ Biểu cảm trong văn bản tự sự đóng vai trò là yếu tố giúp cho con người, sự vật trong văn bản tự sự có thêm cảm xúc, là phương tiện chính để dẫn dắt câu chuyện.
- Tóm lại, vì văn bản tự sự là loại văn kể nên các yếu tố như miêu tả hay biểu cảm chỉ đóng vai trò yếu tố được thêm vào cho câu chuyện thêm sinh động, “có hồn” còn mục đích chính của văn bản này là kể chứ không phải biểu cảm hay miêu tả.
Câu 3:
Để đánh giá hiệu quả của biểu cảm và miêu tả trong văn bản tự sự, người ta thường căn cứ vào yếu tố miêu tả và biểu cảm để phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự tới mức độ nào, nó giúp cho bài văn tự sự tăng thêm sức truyền cảm ra sao.
Câu 4:
- Đoạn trích trên là một trích đoạn tự sự bởi vì nó đã kể lại các sự việc xảy ra trong một đêm ngoài trời, có nhiều nhân vật (chàng chăn cừu và cô gái) cùng người kể chuyện.
- Những yếu tố biểu cảm và miêu tả trong đoạn trích:
+ Tả cảnh ngoài trời trong đêm (“... suối reo rõ hơn…cỏ non đang mọc”; “…phía đầm bên kia…”
+ Tả công chúa (“… có một cái gì đó mát rượi… tóc mây gợn sóng”…)
+ Tâm trạng của nhân vật “tôi” (những suy nghĩ và cảm nhận)
- Những yếu tố miêu tả giúp người đọc dễ dàng hình dung khung cảnh hơn: đó là một đêm ngoài trời với khung cảnh tuyệt đẹp, mọi thứ trong trẻo và lung linh. Những yếu tố biểu cảm bộc lộ những suy nghĩ của nhân vật, những cảm xúc êm dịu, nhẹ nhàng. 2 yếu tố trên kết hợp với nhau đã tái hiện lại khung cảnh ngay trước mắt người đọc, giúp các chi tiết đi sâu hơn vào lòng người.
Quan sát, tưởng tượng, liên tưởng đối với việc miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự
Câu 1:
a. Liên tưởng: từ hiện tượng, sự việc nào đó mà nghĩ tới hiện tượng, sự việc có liên quan
b. Quan sát: xem xét để nhìn rõ và hiểu rõ hơn về sự vật hay hiện tượng
c. Tưởng tượng: tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề tồn tại trước mắt, hoặc chưa từng gặp bao giờ.
Câu 2:
Để có thể làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người viết văn không chỉ yêu cầu có sự quan sát tinh tế kĩ lưỡng đối tượng mà còn cần phải có sự liên tưởng và tưởng tượng phong phú. Có như vậy thì việc tả mới cụ thể, chân thực, sinh động và hấp dẫn người đọc.
Như đoạn trích ở mục I. 4, nếu không có sự quan sát tinh tế kỹ lưỡng của tác giả, ta sẽ không thể thấy hay cảm nhận được các hình ảnh: trong đêm, tiếng "suối reo nghe càng rõ hơn, đầm ao nhen nhóm lên những đốm lửa nhỏ, hay hình ảnh "Cô gái trông như một chú mục đồng nhà trời, nơi có những đám cưới sao... ". Các chi tiết này được xây dựng dựa trên sự liên tưởng, tưởng tượng của chính người viết. Và chính nhờ sự liên tưởng phong phú ấy, ta mới có thể thấy và cảm nhận được cuộc hành trình trầm lặng, ngoan ngoãn" của ngàn sao gợi nghĩ tới "một đàn cừu lớn".
Câu 3:
Để câu chuyện mình kể không gây cho người đọc cảm giác khô khan, người kể chuyện cần phải biết cách kết hợp biểu lộ tình cảm, cảm xúc của nhân vật (hoặc của bản thân) trong quá trình tự sự. Song, các cảm xúc hay những rung động (để biểu cảm) đều được nảy sinh từ: sự quan sát tỉ mỉ, chăm chút kĩ càng, tinh tế; sự vận dụng yếu tố liên tưởng, tưởng tượng hồi ức; từ các sự vật, sự việc khách quan đã và đang khiến trái tim người kể lay động. Theo đoạn trích ở mục I. 4 thì các vì sao nảy sinh từ việc quan sát tỉ mỉ, chăm chú cảnh về đêm. Một đêm sao thơ mộng và huyền ảo, hơn nữa vẻ đẹp ngây thơ và hồn nhiên của cô gái chắc chắn đã lay động trái tim giàu cảm xúc và dễ rung động của chàng trai. Và rõ ràng chính các tình ý đó đã khiến cho đoạn văn thêm mượt mà và hấp dẫn hơn.
Cho nên, ý nêu ở mục (d) là hoàn toàn không chính xác. Không thể nói để biểu cảm khi tự sự mà chỉ tìm các cảm xúc, những rung động sâu sắc trong tâm hồn người kể.
Luyện tập
Câu 1: Nhận xét về vai trò của những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong:
a. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” là một trong các đoạn trích đã được học cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong loại văn bản tự sự. Nhờ những yếu tố miêu tả, người đọc sẽ cảm thấy núi rừng Tây nguyên như đang hiện ra trước mắt, diễn biến của cuộc chiến cũng thấy sinh động hơn. Thêm vào đó, những yếu tố biểu cảm có tác dụng giúp suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật trong truyện được cảm nhận một cách chân thật hơn bao giờ hết. Yếu tố miêu tả và biểu cảm đã giúp cho cuộc chiến thêm dữ dội, hoành tráng và từ đó hình ảnh người anh hùng trở nên vĩ đại hơn.
b. Đoạn trích “Lẵng quả thông” của nhà văn C. Pau-tốp-xki: người kể đã sử dụng tài tình những yếu tố miêu tả và biểu cảm từ sự quan sát tỉ mỉ, liên tưởng và tưởng tượng phong phú của mình. Đầu tiên là yếu tố miêu tả “một em bé gái có đôi bím tóc nhỏ xíu.. ”, “Trời thu … đang run rẩy” bộc lộ khả năng quan sát tỉ mỉ của nhà văn. Thêm vào đó là những yếu tố biểu cảm khiến đoạn văn trở nên chân thực và có "hồn" hơn. Tóm lại, tác giả đã thành công trong việc vận dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự của mình.
Câu 2: Viết bài văn tự sự có dùng yếu tố miêu tả và biểu cảm
* Lưu ý:
- Thể loại: văn tự sự (theo đề tài có sẵn) => Không nên tập trung quá vào việc miêu tả và biểu cảm.
- Đưa các cảm xúc thật, những điều mà mình đã được chứng kiến, quan sát kỹ càng kết hợp với những liên tưởng và tưởng tượng phong phú để bài văn có cảm xúc chân thật, phong phú và hấp dẫn người đọc (Tránh lối viết cảm xúc giả, xáo rỗng và liên tưởng thái quá).
* Có thể tham khảo dàn ý kể lại kỉ niệm của một lần được về quê ngoại:
1, Mở bài: - Về quê ngoại nhân dịp gì?
- Cảm xúc ban đầu khi ngồi trên xe để về quê ngoại?
2, Thân bài
- Cảnh vật thôn quê hiện ra trước mắt: những cánh đồng lúa chín vàng rộng lớn, đàn cò trắng đang bay thẳng cánh, ánh nắng của buổi sáng sớm đang hiện dần ra trước mắt…
- Miêu tả nhà bà ngoại: Vị trí, cảnh vật thiên nhiên xung quanh nhà bà (vườn cây với các loại quả lạ, ao…)
- Buổi tối: cả nhà cùng nhau ngồi quây quần bên mâm cơm tuy giản dị nhưng tràn đầy tình yêu thương – khác với những bữa cơm hàng ngày trên thành phố.
- Ngày hôm sau: theo chân bà ngoại ra đồng, được sống một cuộc sống thôn quê
- Gặp và có thêm nhiều người bạn mới, được dạy làm các món đồ chơi dân gian…
3, Kết bài: Cảm xúc của bản thân sau chuyến đi về quê.
- Ước mơ về một ngày mai tươi sáng giúp đất nước trở nên tốt hơn…
Bài trước: Tấm Cám (trang 72 sgk Ngữ văn 10 tập 1) Bài tiếp: Tam đại con gà (trang 79 sgk Ngữ văn 10 tập 1)