Luyện tập viết đoạn văn tự sự (trang 97 sgk Ngữ văn 10 tập 1)
Câu 1:
a. Các đoạn văn trên đã diễn tả đúng như dự kiến của tác giả. Nội dung và giọng điệu của đoạn văn mở đầu và đoạn văn kết thúc có các điểm giống nhau như sau:
- Giống nhau: Cả đoạn văn mở đầu và đoạn văn kết thúc đều miêu tả về cảnh rừng xà nu. Nó tạo nên một kết cấu vòng tròn. Kết cấu này vừa duy trì bố cục chặt chẽ, vừa tập trung vào nhấn mạnh chủ đề của tác phẩm. Bên cạnh đó, kết cấu kiểu vòng tròn này còn giúp nội dung truyện có ảnh hưởng sâu sắc trong tâm trí của người đọc và vì không có một cái kết cố định, kiểu kết cấu này giúp người đọc có thể liên tưởng đến phần kết theo tưởng tượng của mình.
- Khác nhau: 2 đoạn mở đầu miêu tả cánh rừng xà nu một cách cụ thể, sinh động thông qua các chi tiết nghệ thuật giữa sức tạo hình với mục đích tạo không khí cho câu chuyện và để lôi cuốn và dẫn dắt người đọc. Đoạn đầu mở làm hiện ra khung cảnh về một cánh rừng xà nu tràn đầy sức sống, giống như người vệ sĩ bảo vệ cho dân làng. Đoạn sau, cánh rừng bị tàn phá nhưng được gợi ra một sự khởi đầu hoàn toàn mới với hình ảnh những cây xà nu con đang mọc.
b. Qua việc tìm hiểu các giai đoạn sáng tác của tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc, chúng ta có thể đúc rút ra kinh nghiệm: trước khi viết hoặc kể một câu chuyện thì cần phải suy nghĩ, dự kiến trước phần mở đầu và kết thúc của bài văn sao cho hợp lý. Có như vậy thì bài văn mới có một mạch thống nhất, chặt chẽ, rõ ràng và hấp dẫn người đọc, người nghe hơn.
Câu 2:
a. Đoạn văn này nằm trong phần thân bài (phần phát triển) trong "truyện ngắn" mà bạn học sinh muốn viết. Đoạn văn này đã kể lại một sự việc rất quan trọng, đó chính là chuyện "Chị Dậu về làng lãnh đạo cuộc nổi dậy của nông dân khi cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 nổ ra". Sự việc đó phù hợp với cốt truyện và chủ đề mà bạn học sinh đã đưa ra và lập dàn ý. Có thể xem đây là một đoạn văn thuộc một văn bản tự sự.
b. Có thể nói, đoạn văn trên mới chỉ thành công trong việc "kể" lại câu chuyện. Nhược điểm của đoạn văn này là việc sắp xếp các đoạn tả cảnh, tả tâm trạng còn chưa hay, chưa nhuyễn. Văn phong vẫn còn gượng gạo, lúng túng.
- Có thể sửa chữa lại 2 chỗ còn "lúng túng" trong đoạn văn của bạn học sinh như sau:
+ "... Đặt chân đến con đê cao, con đê nằm chắn ngang nếp nhà lụp xụp của gia đình chị Dậu đúng lúc ở phía trời đông ông mặt trời bắt đầu tỏa ánh bình minh bằng những ánh hồng rực rỡ, chị Dậu bỗng chợt nhìn thấy một đoàn người... ".
+ "Người đàn bà nhà quê khốn khổ từng phải chạy trốn trong cái đêm đen ấy vui mừng đến rơi nước mắt. Nhưng cố kìm nén xúc động... ".
Câu 3:
Từ kinh nghiệm học được từ nhà văn Nguyên Ngọc và đoạn viết về hậu thân của chị Dậu, có thể đúc rút ra một số ghi nhớ về cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự:
- Khi viết đoạn văn mở đầu và đoạn kết thúc, cần dựa vào đề tài và cốt truyện để tìm nội dung chính. Hai đoạn văn này cần phải viết làm sao để ý tứ phải có sự thống nhất và hô ứng với nhau.
- Sau đoạn văn mở đầu, vẫn phải bám vào cốt truyện, bám vào tư tưởng và chủ đề của bài văn để viết các đoạn văn phần thân bài: đoạn miêu tả, đoạn giới thiệu về nhân vật, đoạn kể các sự việc, đoạn đối thoại,...
- Khi viết đoạn văn trong bài văn tự sự cần phải huy động và tập trung năng lực quan sát, liên tưởng và tưởng tượng kết hợp với những kiến thức về cuộc sống,... đồng thời cũng phải thành thạo trong các thao tác trong việc viết đoạn văn.
Luyện tập
Câu 1:
a. Đoạn văn này đã kể lại sự việc cô Phương Định - một nữ thanh niên xung phong dũng cảm đang phá bom để mở đường ra mặt trận. Đây là đoạn văn thuộc phần thân bài (phần phát triển) của một văn bản tự sự có tên "Những ngôi sao xa xôi" (truyện ngắn của Lê Minh Khuê).
b. Đoạn văn được chép lại nhưng có một số sai sót về ngôi kể.
Trong truyện ngắn, người kể chuyện (nhân vật Phương Định xưng tôi, kể chuyện về bản thân mình và tổ thanh niên xung phong). Một số câu trong đoạn văn này, đại từ "tôi" đã bị thay thế bằng "cô gái" (câu 5); "Cô" (câu 6,16), danh từ riêng "Phương Định" (câu 14,20). Cần sửa lại các lỗi để văn bản đảm bảo được sự thống nhất về ngôi kể (ngôi thứ nhất - xưng tôi).
c. Từ các phát hiện và chỉnh sửa trên có thể rút ra bài học:
Trong văn bản tự sự, người viết cần phải đảm bảo sự nhất quán về ngôi kể. Nếu không có sự thay đổi về người kể thì ngôi kể đó cần phải thống nhất từ đoạn đầu cho đến các đoạn tiếp theo. Có như vậy thì văn bản tự sự mới có mối liên hệ chặt chẽ, lôgic, lôi cuốn và thuyết phục người đọc.
Câu 2:
Đọc lại văn bản để nhớ lại kiến thức.
Hướng dẫn viết bài: Hành động và cảnh vật đã làm nổi bật lên tâm trạng của nhân vật nữ.
- Hành động của cô gái: vừa đi vừa quay đầu lại, đôi chân bước đi nhưng trong lòng lại nặng trĩu nỗi niềm, nàng phải theo người đàn ông mà mình không hề yêu thương và bỏ lại sau lưng người mình yêu và mối tình đẹp đẽ.
- Cảnh vật: Đường cô gái đi rất dài, nơi cô đến: rừng cà, rừng ớt, rừng lá ngón, hành động: ngắt lá ớt, lá cà, chờ, đợi, ngóng trông. Lá ớt, lá cà, lá ngón đều là loại lá độc --> cô gái dường như muốn kết thúc số phận của mình, để không phải đi theo người chồng xa lạ, người chồng mà cô không có tình cảm, muốn được sống bên người con trai mà mình yêu --> ước muốn được tự do trong tình yêu đôi lứa của con người.
Bài trước: Đọc thêm: Lời tiễn dặn (trích Tiễn dặn người yêu) (trang 96 sgk Ngữ văn 10 tập 1) Bài tiếp: Ôn tập văn học dân gian Việt Nam (trang 100 sgk Ngữ văn 10 tập 1)