Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh học 12 nâng cao > Bài 53: Các đặc trưng cơ bản của quần thể (tiếp theo) - Sinh học 12 nâng cao

Bài 53: Các đặc trưng cơ bản của quần thể (tiếp theo) - Sinh học 12 nâng cao

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 53 trang 219: Hãy xếp lại thứ tự theo kích thước quần thể nhỏ dần của các loài sau đây: sơn dương, chuột cống, bọ dừa, nhái bén, voi, thỏ.

Trả lời:

- Kích thước quần thể nhỏ dần được sắp xếp như sau: bọ dừa, nhái bén, chuột cống, thỏ, sơn dương, voi.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Bài 1 trang 223 sgk Sinh học 12 nâng cao: Em hãy nêu khái niệm kích thước và mật độ của quần thể?

Trả lời:

- Kích thước quần thể hay số lượng cá thể của quần thể là tổng số cá thể hoặc sản lượng hay tổng năng lượng của các cá thể trong quần thể đó. Quần thể có 2 loại kích thước đó là Kích thước tối thiểu và Kích thước tối đa. Cụ thể:

+ Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể phải có, đủ đảm bảo cho quần thể có khả năng duy trì nòi giống.

+ Kích thước tối đa là số lượng cá thể nhiều nhất mà quần thể có thể đạt được, cân bằng với sức chứa của môi trường.

- Mật độ của quần thể là kích thước quần thể được tính trên đơn vị diện tích hay thể tích.

Bài 2 trang 223: Kích thước quần thể có những cực trị nào? Em hãy cho biết ý nghĩa của chúng.

Trả lời:

- Kích thước quần thể có 2 cực trị:

+ Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể phải có, đủ đảm bảo cho quần thể có khả năng duy trì nòi giống. Kích thước tối thiểu mang đặc tính của loài.

+ Kích thước tối đa là số lượng cá thể nhiều nhất mà quần thể có thể đạt được, cân bằng với sức chứa của môi trường.

Những loài có kích thước nhỏ hình thành quần thể có số lượng nhiều. Loài có kích thước lớn thường sống trong quần thể có số lượng ít.

- Ý nghĩa: Kích thước quần thể phản ánh bản chất của loài và điều kiện sống của môi trường mà quần thể tồn tại.

+ Nếu kích thước của quần thể của loài bị thu hẹp dưới giá trị cực tiểu thì khoảng cách trung bình giữa các cá thể bị dãn ra, mối giao tiếp của chúng trở nên khó khăn, có thể dẫn đến giao phối cận huyết sẽ làm cho loài có thể bị diệt vong.

+ Nếu kích thước của quần thể quá nhiều thì không gian sống của quần thể quá ít sẽ dẫn tới sự cạnh tranh cùng với nạn ô nhiễm môi trường.

Bài 3 trang 223: Những nhân tố nào làm thay đổi kích thước quần thể?

Trả lời:

Những nhân tố làm thay đổi kích thước quần thể là:

- Mức sinh sản: là số cá thể mới do quần thể sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định. Số lượng này phụ thuộc vào mức sinh sản của cá thể trong quần thể và tác động của các nhân tố sinh thái.

- Mức tử vong: là số cá thể bị chết trong một thời gian nhất định vì già hoặc do các nguyên nhân sinh thái khác.

- Mức nhập cư: là số cá thể từ quần thể khác chuyển đến. Khi điều kiện sống thuận lợi, sự nhập cư ít gây ảnh hưởng cho quần thể ở tại.

- Mức xuất cư: là hiện tượng một số cá thể rời khỏi quần thể để đến một quần thể khác có mật độ thấp hơn hay tìm đến một sinh cảnh khác.

- Mức sống sót: là số cá thể còn sống đến một thời điểm nhất định.

Bài 4 trang 223: Trong điều kiện môi trường lí tưởng và môi trường bị giới hạn, kích thước quần thể tăng trưởng theo biểu thức và đường cong tương ứng nào?

Trả lời:

- Tăng trưởng kích thước quần thể trong điều kiện môi trường lí tưởng (không bị giới hạn)

Nếu môi trường là lí tưởng thì mức sinh sản của quần thể là tối đa, còn mức tử vong là tối thiểu, do đó, sự tăng trưởng đạt tối đa, số lượng cá thể tăng theo “tiềm năng sinh học” vốn có của nó, tức là số lượng tăng nhanh theo hàm mũ với đường cong đặc trưng hình chữ J.

- Tăng trưởng kích thước quần thể trong điều kiện môi trường bị giới hạn

Sự tăng trưởng kích thước quần thể của đa số loài trong thực tế đều bị giới hạn bởi các nhân tố môi trường (không gian sống, các nhu cầu thiết yếu của đời sống, số lượng cá thể của chính quần thể và các rủi ro của môi trường, nhất là dịch bệnh, vật kí sinh, vật ăn thịt…). Do đó, quần thể chỉ có thể đạt được số lượng tối đa, cân bằng với sức chịu đựng của môi trường. Đường cong của nó có dạng chữ S.

Bài 5 trang 223: Cho biết đặc trưng của các loài có kiểu tăng trưởng trong điều kiện môi trường không bị giới hạn và bị giới hạn.

Trả lời:

Kiểu tăng trưởng không bị giới hạnKiểu tăng trưởng bị giới hạn

- Kích thước cơ thể nhỏ

- Tuổi thọ thấp, tuổi sinh sản lần đầu đến sớm.

- Sinh sản nhanh, sức sinh sản cao.

- Mẫn cảm với sự biến động của các nhân tố vô sinh.

- Không biết chăm sóc con non hoặc chăm sóc con non kém.

- Kích thước cơ thể lớn

- Tuổi thọ cao, tuổi sinh sản lần đầu đến muộn.

- Sinh sản chậm, sức sinh sản thấp.

- Chịu tác động chủ yếu của các nhân tố hữu sinh.

- Biết bảo vệ và chăm sóc con non tốt.

Bài 6 trang 223: Em hãy chọn đáp án trả lời đúng. Dựa theo kích thước quần thể, trong những loài dưới đây, loài nào có kiểu tăng trưởng số lượng gần với hàm mũ?

A. Rái cá trong hồ.

B. Ếch, nhái ven hồ.

C. Ba ba ven sông.

D. Khuẩn lam trong hồ.

Trả lời:

Đáp án đúng là D. Khuẩn lam trong hồ.