Bài 40: Loài sinh học và các cơ chế cách li - Sinh học 12 nâng cao
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 40 trang 163: Các gen, prôtêin tương ứng ở các loài khác nhau được phân biệt nhau như thế nào?
Trả lời:- Các gen, prôtêin tương ứng ở các loài khác nhau được phân biệt nhau ở số lượng, thành phần, trật tự sắp xếp của các đơn phân (nuclêôtit, axit amin).
- Những loài càng thân thuộc thì sự sai khác trong cấu trúc của AND, prôtêin càng ít.
- Prôtêin tương ứng ở những loài khác nhau được phân biệt ở khả năng chịu đựng với những điều kiện vật lí như độ ẩm, nhiệt độ, … khác nhau.
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 40 trang 164: Nêu những đặc trưng của quần thể về di truyền và sinh thái.
Trả lời:- Những đặc trưng của quần thể về di truyền: được đặc trưng bởi vốn gen, tần số tương đối của các alen, các kiểu gen, các kiểu hình.
+ Vốn gen là toàn bộ các alen của tất cả các gen trong quần thể. Vốn gen bao gồm những kiểu gen riêng biệt, được biểu hiện thành kiểu hình nhất định.
+ Tần số tương đối của các alen: được tính bằng tỉ lệ giữa số alen được xét trên tổng số alen thuộc locut trong quần thể.
+ Tần số của một kiểu gen (kiểu hình): được tính bằng tỉ số cá thể có kiểu gen (kiểu hình) đó trên tổng số cá thể trong quần thể.
- Đặc trưng của quần thể về sinh thái: tỉ lệ giới tính, thành phần nhóm tuổi, mật độ, sự phân bố, kích thước của quần thể…
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 167 sgk Sinh học 12 nâng cao: Nêu đặc điểm của các tiêu chuẩn phân biệt các loài thân thuộc.
Trả lời:* Các tiêu chuẩn phân biệt các loài thân thuộc, đó là:
- Tiêu chuẩn hình thái: Các cá thể cùng loài có chung một hệ tính trạng hình thái giống nhau. Ngược lại, giữa hai loài khác nhau có sự gián đoạn về hình thái nghĩa là sự đứt quãng về một tính trạng nào đó.
- Tiêu chuẩn địa lí – sinh thái: Hai loài thân thuộc chiếm hai khu phân bố riêng biệt hay hai loài thân thuộc có khu phân bố trùng nhau một phần hoặc trùng nhau hoàn toàn. Trong đó, mỗi loài thích nghi với các điều kiện sinh thái nhất định.
- Tiêu chuẩn sinh lí – sinh hóa: Prôtêin tương ứng ở các loài khác nhau được phân biệt với nhau ở một số đặc tính.
- Tiêu chuẩn cách li sinh sản: Giữa hai loài khác nhau có sự cách li sinh sản. Bản chất là cách li di truyền. Dựa vào tiêu chuẩn này để phân biệt các loài hay các quần thể có cùng một loài hay không.
Bài 2 trang 167: Việc vận dụng các tiêu chuẩn phân biệt các loài thân thuộc cần phải như thế nào?
Trả lời:Việc vận dụng các tiêu chuẩn phân biệt các loài thân thuộc cần phải:
- Mỗi tiêu chuẩn phân biệt các loài thân thuộc chỉ có giá trị tương đối. Tùy vào mỗi nhóm sinh vật mà người ta vận dụng tiêu chuẩn thích hợp.
- Trong nhiều trường hợp phải phối hợp nhiều tiêu chuẩn mới phân biệt được hai loài thân thuộc một cách chính xác.
Bài 3 trang 167: Định nghĩa loài. Phân biệt cá thể, quần thể, nòi.
Trả lời:Định nghĩa: Loài là một nhóm cá thể có vốn gen chung, có những tính trạng chung về hình thái, sinh lí, có khu phân bố xác định. Trong đó, cá thể có giao phối với nhau và được cách li sinh sản với những nhóm quần thể thuộc loài khác.
- Phân biệt cá thể, quần thể, nòi:
+ Cá thể là đơn vị tổ chức của quần thể.
+ Quần thể là đơn vị tổ chức cơ sở của loài.
+ Quần thể hay nhóm quần thể phân bố gián đoạn hay liên tục tạo thành nòi. Các cá thể thuộc những nòi khác nhau trong một loài vẫn có thể giao phối với nhau.
Có ba nòi: nòi địa lí, nòi sinh học và nòi sinh thái.
Bài 4 trang 167: Phân biệt nòi địa lí, nòi sinh thái và nòi sinh học.
Trả lời:Nòi địa lí | Nòi sinh thái | Nòi sinh học |
---|---|---|
Là nhóm quần thể phân bố trong một khu vực địa lí xác định. Hai nòi địa lí khác nhau có 2 khu phân bố riêng biệt. | Là nhóm quần thể thích nghi với những điều kiện sinh thái nhất định. Trong cùng một khu vực địa lí, có thể tồn tại nhiều nòi sinh thái, mỗi nòi chiếm một sinh cảnh nhất định. | Là nhóm quần thể kí sinh trên loài vật chủ xác định hoặc trên những phần khác nhau của cơ thể vật chủ. |
VD: Nòi chim chào mào miền Bắc to, trên mình có màu nâu sẫm, ở ngực có một vòng cung màu nâu. Nòi chim chào mào miền Nam bé hơn, màu nâu nhạt hơn, vòng màu nâu trên ngực trông rõ hơn. | VD: Cây lành ngạnh ở trên đồi trọc Hòa Bình có dạng cây bụi, đường kính thân 1 cm. Cây lành ngạnh ở rừng Yên Bái là cây thân gỗ, đường kính thân tới 30 cm. | VD: Bọ chét kí sinh trên loài sóc bắt nguồn từ loài bọ chét kí sinh trên loài gặm nhấm dạng chuột. |
Bài 5 trang 167: Em hãy nêu vai trò của các cơ chế cách li đối với quá trình tiến hóa.
Trả lời:Các cơ chế cách li đối với quá trình tiến hóa như sau:
- Các cơ chế cách li có tác dụng củng cố, tăng cường sự phân hóa thành phần kiểu gen trong quần thể bị chia cắt. Cách li sinh sản được hình thành sẽ kết thúc quá trình tiến hóa nhỏ.
- Cách li là tiêu chuẩn để phân biệt hai loài.
Bài 6 trang 167: Em hãy chọn phương án trả lời đúng. Tiêu chuẩn nào được dùng thông dụng để phân biệt hai loài?
A. Tiêu chuẩn hình thái.
B. Tiêu chuẩn địa lí – sinh thái.
C. Tiêu chuẩn sinh lí – sinh hóa.
D. Tiêu chuẩn di truyền.
Trả lời:Đáp án đúng là A. Tiêu chuẩn hình thái.