Bài 5: Nhiễm sắc thể - Sinh học 12 nâng cao
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 5 trang 25: Dựa vào dẫn liệu trong bảng hãy nhận xét mối quan hệ giữa số lượng NST của các loài với mức độ tiến hóa của chúng.
Đáp án:
Nhận xét:
- Ở sinh vật nhân thực, bộ NST của mỗi loài là khác nhau.
- Số lượng NST nhiều hay ít không phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của các loài. Sinh vật có số lượng NST nhiều nhưng không tiến hóa hơn sinh vật có số lượng NST ít.
Ví dụ: Tinh tinh 2n = 48 kém tiến hóa hơn người 2n = 46.
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 5 trang 25: Hãy mô tả cấu trúc hiển vi của NST qua các kì trong chu kì tế bào.
Đáp án:
Cấu trúc hiển vi của NST qua các kì:
- Kì trung gian: NST sợi mảnh. Mỗi NST tự nhân đôi thành một NST kép gồm 2 sợi crômatit dính với nhau ở tâm động.
- Kì đầu: Các NST bắt đầu đóng xoắn, co ngắn lại và có hình dạng rõ rệt.
- Kì giữa: Các NST đóng xoắn cực đại, có hình dạng và kích thước đặc trưng.
- Kì sau: Mỗi crômatit của từng NST kép tách nhau ra ở tâm động và dàn thành hai nhóm đều nhau. Sau đó, mỗi nhóm di chuyển về một cực của tế bào.
- Kì cuối: Các NST tháo xoắn và trở về dạng sợi mảnh.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 28 sgk Sinh học 12 nâng cao: Nêu những đặc trưng về hình thái, số lượng của bộ NST của loài. Cho ví dụ chứng minh số lượng NST không phản ánh mức độ tiến hóa.
Trả lời:- Mỗi loài có bộ NST khác nhau về hình thái, số lượng và cấu trúc gen trên NST.
- Số lượng NST nhiều hay ít không phản ánh mức độ tiến hóa thấp hay cao của loài. Sinh vật có số lượng NST nhiều nhưng không tiến hóa hơn sinh vật có số lượng ít.
Ví dụ:
+) Tinh tinh 2n = 48 nhưng kém tiến hóa hơn người 2n = 46,
+) Dương xỉ 2n = 116 kém tiến hóa hơn lúa 2n = 24.
- Sinh vật có số lượng NST ít có thể kém tiến hóa
Ví dụ:
+) Ruồi giấm 2n = 8 kém hơn gà 2n = 78.
Bài 2 trang 28: Mô tả hình thái, kích thước các mức cấu trúc siêu hiển vi của NST ở sinh vật nhân thực.
Trả lời:Cấu trúc siêu hiển vi của NST ở sinh vật nhân thực:
- Phân tử ADN: Mạch xoắn kép, có chiều ngang 2 nm.
- Sợi cơ bản là chuỗi nuclêôxôm xếp khít nhau, đường kính 11 nm. Mỗi nuclêôxôm gồm lõi là 8 phân tử histôn và bên ngoài là đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit, quấn quanh 7/4 vòng. Giữa hai nuclêôxôm liên tiếp là một đoạn ADN và một phân tử prôtêin histôn.
- Sợi nhiễm sắc: Sợi cơ bản cuộn xoắn lần 2 tạo nên sợi có chiều ngang khoảng 30 nm.
- Vùng xếp cuộn: Sợi nhiễm sắc xếp cuộn lần nữa tạo sợi có bề ngang 300 nm.
- Crômatit: Sợi nhiễm sắc ở vùng xếp cuộn tiếp tục tạo thành crômatit có chiều ngang khoảng 700 nm.
- NST ở kì giữa: Ở trạng thái kép gồm 2 crômatit. Chiều ngang của mỗi NST có thể đạt tới 1400 nm.
Bài 3 trang 28: Vì sao NST được coi là cơ sở vật chất của tính di truyền ở cấp độ tế bào?
Trả lời:NST được coi là cơ sở vật chất của tính di truyền ở cấp độ tế bào vì:
- NST có chức năng lưu trữ, bảo quản và truyền đạt thông tin di truyền.
+ NST là cấu trúc mang gen.
+ Gen trên NST được bảo quản nhờ liên kết với prôtêinhistôn.
+ Bộ NST đặc trưng cho loài sinh sản hữu tính được duy trì, ổn định nhờ cơ chế: nguyên phân, giảm phân và thụ tinh.
- Điều hòa hoạt động của gen thông qua các mức cuộn xoắn của NST.
- Giúp tế bào phân chia đều vật chất di truyền vào các tế bào con ở pha phân bào.
Bài 4 trang 28 sgk Sinh học 12 nâng cao: Hãy chọn phương án trả lời đúng. Một nuclêôxôm có cấu trúc gồm:
A. phân tử histôn được quấn bởi một đoạn ADN dài 146 cặp nuclêôtit.
B. lõi là 8 phân tử histôn được một đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit quấn quanh 7/4 vòng.
C. 9 phân tử histôn được quấn quanh bởi đoạn ADN chứa 140 cặp nuclêôtit.
D. lõi là đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit được bọc ngoài bởi 8 phân tử histôn.
Trả lời:Đáp án đúng là: B. lõi là 8 phân tử histôn được một đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit quấn quanh 7/4 vòng.
Bài trước: Bài 4: Đột biến gen - Sinh học 12 nâng cao Bài tiếp: Bài 6: Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể - Sinh học 12 nâng cao