Bài 44: Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất - Sinh nhật 12 nâng cao
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 44 trang 182: Xem bảng 44 và chỉ ra đặc điểm địa chất, khí hậu và sinh vật điển hình của các đại và kỉ cũng như mối tương quan giữa điều kiện địa chất, khí hậu với sinh vật.
Trả lời:a. Đặc điểm của các đại và kỉ:
* Đại Thái cổ:
- Bắt đầu cách nay 3500 triệu năm, kéo dài 1000 triệu năm.
- Vỏ Trái Đất chưa ổn định.
- Hóa thạch, nhân sơ cổ nhất.
* Đại Nguyên sinh:
- Cách đây 2500 triệu năm, kéo dài 1958 triệu năm.
- Phân bố lại đại lục và đại dương, tích lũy ôxi trong khí quyển.
- Hóa thạch sinh vật nhân thực, động vật cổ nhất. Động vật không xương sống thấp ở biển và các loài tảo.
* Đại Cổ sinh:
- Kỉ Cambri: Bắt đầu cách đây 542 triệu năm. Phân bố đại lục và đại dương khác ngày nay; khí quyển nhiều CO2. Phát sinh các ngành động vật, phân hóa tảo.
- Kỉ Ocđôvit: Cách đây 488 triệu năm. Di chuyển lục địa; băng hà; mực nước biển giảm, khí hậu khô. Phát sinh thực vật, tảo biển ngự trị.
- Kỉ Silua: Bắt đầu cách đây 444 triệu năm. Hình thành lục địa, mực nước biển dâng cao, khí hậu nóng và ẩm. Cây có mạch và động vật lên cạn.
- Kỉ Đêvôn: Bắt đầu cách đây 416 triệu năm. Khí hậu lục địa khô hanh, ven biển ẩm ướt, hình thành sa mạc. Phát sinh lưỡng cư, côn trùng; phân hóa cá xương.
- Kỉ Cacbon (Than đá): Bắt đầu cách đây 360 triệu năm. Đầu kỉ ẩm nóng, sau lạnh khô. Dương xỉ phát triển mạnh; thực vật có hạt xuất hiện; lưỡng cư ngự trị; phát sinh bò sát.
- Kỉ Pecmi: Bắt đầu cách đây 300 triệu năm. Các lục địa liên kết với nhau; bang hà; khí hậu khô lạnh. Phân hóa bò sát, côn trùng.
* Đại Trung sinh:
- Kỉ Triat (Tam điệp): Cách đây 250 triệu năm. Lục địa chiếm ưu thế, khí hậu khô. Cây hạt trần ngự trị, phát sinh thú và chim.
- Kỉ Jura: Bắt đầu cách đây 200 triệu năm. Hình thành 2 lục địa Bắc và Nam, biển tiến vào lục địa, khí hậu ấm áp. Cây hạt trần ngự trị, phân hóa chim.
- Kỉ Krêta (Phấn trắng): Bắt đầu cách đây 145 triệu năm. Các lục địa bắc liên kết với nhau, biển thu hẹp, khí hậu khô. Xuất hiện thực vật có hoa; tuyệt diệt nhiều sinh vật kể cả bò sát cổ.
* Đại Tân sinh:
- Kỉ Đệ tam (Thứ ba): Cách đây 65 triệu năm. Các lục địa gần giống hiện nay, khí hậu ấm áp, cuối kỉ lạnh. Phát sinh các nhóm linh trưởng, cây có hoa ngự trị, phân hóa các lớp Thú, Chim, Côn trùng.
- Kỉ Đệ tứ (Thứ tư): Bắt đầu cách đây 1,8 triệu năm. Băng hà, khí hậu lạnh và khô. Xuất hiện loài người.
b. Sự tiến hóa của sinh vật có liên quan với điều kiện địa chất khí hậu qua các thời đại và kỉ địa chất.
Ví dụ:
- Ở kỉ Đệ tam thuộc đại Tân sinh khí hậu ấm áp, thực vật có hoa, các động vật (nhất là côn trùng) phát triển và phân hóa nhiều, đa dạng.
- Cuối kỉ Phấn trắng nhiều bò cổ bị tuyệt diệt do khí hậu khô, nhiều thiên thạch va chạm vào Trái Đất.
- Ở kỉ Jura thuộc đại Trung sinh, hình thành hai lục địa, biển tiến vào lục địa, khí hậu ấm áp. Cây hạt trần, bò sát cổ phát triển mạnh và ngự trị.
- Ở kỉ Pecmi đại Cổ sinh, liên kết đại lục, biển thu hẹp, băng hà, khí hậu khô lạnh dẫn đến tuyệt diệt nhiều loài động vật biển.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 184 sgk Sinh học 12 nâng cao: Vì sao hóa thạch là bằng chứng của tiến hóa?
Trả lời:Hóa thạch là bằng chứng tiến hóa vì: Hóa thạch là di tích của các sinh vật đã từng sinh sống trong các thời đại địa chất được lưu tồn trong các lớp đất đá của vỏ Trái Đất.
Căn cứ vào hóa thạch trong các lớp đất đá, các nhà khảo cổ hcoj có thể tìm ra lịch sử phát sinh, phát triển và diệt vong của sinh vật. Bằng phương pháp địa tầng học và phương pháp đo thời gian phân rã của các nguyên tố phóng xạ, con người có thể xác định được tuổi của địa tầng -> xác định được tuổi của hóa thạch và ngược lại.
Bài 2 trang 184: Người ta căn cứ vào đâu để tính tuổi của hóa thạch?
Trả lời:- Để tính được tuổi tương đối của lớp đất đá cũng như hóa thạch chứa trong đó, người ta thường căn cứ vào thời gian lắng đọng của các lớp trầm tích phủ lên nhau theo thứ tự từ nông tới sâu. Lớp càng sâu thì có tuổi càng lâu đời hơn, nhiều hơn so với lớp nông.
- Để xác định tuổi tuyệt đối, các nhà khảo cổ học thường sử dụng phương pháp đồng vị phóng xạ, căn cứ vào thời gian bán rã của một số chất đồng vị phóng xạ nào đó có trong hóa thạch.
- Đối với hóa thạch tương đối mới, dùng cacbon 14 để xác định tuổi.
- Đối với các hóa thạch cổ xưa, có tuổi hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ năm, dùng urani 238 để xác định.
Bài 3 trang 184: Nêu các sinh vật điển hình của các kỉ.
Trả lời:Đại | Kỉ | Tuổi (triệu năm cách đây) | Sinh vật điển hình |
---|---|---|---|
Thái cổ | 3500 | Hóa thạch và nhân sơ cổ nhất | |
Nguyên sinh | 2500 | Hóa thạch sinh vật nhân thực, động vật cổ nhất. Động vật không xương sống thấp ở biển và các loài tảo. | |
Cổ sinh | Cambri | 542 | Phát sinh các ngành động vật, phân hóa tảo. |
Ocđôvic | 488 | Phát sinh thực vật, tảo biển ngự trị, tuyệt diệt nhiều sinh vật. | |
Silua | 444 | Cây có mạch và động vật lên cạn. | |
Đêvôn | 416 | Phân hóa cá xương, phát sinh lưỡng cư, côn trùng. | |
Cacbon (Than đá) | 360 | Dương xỉ phát triển mạnh, thực vật có hạt xuất hiện, lưỡng cư ngự trị, phát sinh bò sát. | |
Pecmi | 300 | Phân hóa bò sát, côn trùng; tuyệt diệt nhiều động vật biển. | |
Trung sinh | Triat (Tam điệp) | 250 | Cây hạt trần ngự trị, phân hóa bò sát cổ, cá xương phát triển, phát sinh chim và thú. |
Jura | 200 | Cây hạt trần ngự trị, bò sát cổ ngự trị, phân hóa chim. | |
Krêta (Phấn trắng) | 145 | Xuất hiện thực vật có hoa, tiến hóa động vật có vú, cuối kỉ tuyệt diệt nhiều sinh vật kể cả bò sát cổ. | |
Tân sinh | Đệ tam (Thứ ba) | 65 | Phát sinh các nhóm linh trưởng, cây có hoa ngự trị, phân hóa các lớp Thú, Chim, Côn trùng. |
Đệ tứ (Thứ tư) | 1,8 | Xuất hiện loài người. |
Bài 4 trang 184: Phân tích mối quan hệ giữa điều kiện địa chất, khí hậu với sinh vật qua các kỉ địa chất. Em hãy cho một số ví dụ.
Trả lời:Sự tiến hóa của sinh vật có liên quan với điều kiện địa chất khí hậu qua các thời đại và kỉ địa chất.
Ví dụ:
- Ở kỉ Đệ tam thuộc đại Tân sinh khí hậu ấm áp dần đến thực vật có hoa, các động vật (nhất là côn trùng) phát triển và phân hóa nhiều, đa dạng.
- Cuối kỉ Phấn trắng nhiều bò cổ bị tuyệt diệt do khí hậu khô, nhiều thiên thạch va chạm vào Trái Đất.
- Ở kỉ Jura thuộc đại Trung sinh, hình thành hai lục địa, biển tiến vào lục địa, khí hậu ấm áp do đó cây hạt trần, bò sát cổ phát triển mạnh và ngự trị.
- Ở kỉ Pecmi đại Cổ sinh, liên kết đại lục, biển thu hẹp, băng hà, khí hậu khô lạnh dẫn đến tuyệt diệt nhiều động vật biển.
Bài 5 trang 184: Em hãy chọn phương án trả lời đúng. Thực vật có hoa xuất hiện vào đại nào sau đây?
A. Đại Cổ sinh.
B. Đại Trung sinh.
C. Đại Tân sinh.
D. Đại Nguyên sinh, Thái cổ.
Trả lời:Đáp án đúng là B. Đại Trung sinh.