Bài 41: Quá trình hình thành loài - Sinh học 12 nâng cao
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 41 trang 169:
- Em hãy phân tích vai trò của điều kiện địa lí đối với sự hình thành loài.
- Hình thành loài bằng con đường địa lí đã giải thích cho quan niệm của Đacuyn như thế nào?
Trả lời:- Vai trò của điều kiện địa lí đối với sự hình thành loài như sau: Điều kiện địa lí quy định các hướng chọn lọc cụ thể và làm cho các loài bị cách li địa lí sẽ dẫn đến cản trở giao phối tự do, thúc đẩy căng cường sự phân hóa kiểu gen từ quần thể gốc, có thể hình thành loài mới.
- Hình thành loài địa lí đã giải thích cho quan niệm của Đacuyn về con đường phân li tính trạng.
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 41 trang 170: Em hãy quan sát hình 41.3 và giải thích sự hình thành loài lúa mì Triticum aestivum.
Trả lời:Sự hình thành loài lúa mì Triticum aestivum.
- Sự lai xa giữa loài lúa mì với loài cỏ dại tạo ra con lai bất thụ vì tế bào của cơ thể lai khác loài chứa bộ NST của hai loài bố, mẹ. Vì hai bộ NST này không tương đồng nên trong kì đầu lần phân bào I của giảm phân không xảy ra sự tiếp hợp gây trở ngại cho sự phát sinh giao tử.
- Sau khi được đa bội hóa từ con lai (AB) tạo thành loài tứ bội khác nguồn hay song nhị bội (AABB). Loài này hữu thụ bởi các NST đều có cặp tương đồng để tiếp hợp nên quá trình giảm phân diễn ra bình thường.
=> Quá trình này diễn ra tiếp theo cho đến khi hình thành loài lúa mì Triticum aestivum.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 172 sgk Sinh học 12 nâng cao: Phân tích vai trò của điều kiện địa lí, cách li địa lí và chọn lọc tự nhiên trong phương thức hình thành loài bằng con đường địa lí thông qua một ví dụ cụ thể.
Trả lời:Ví dụ: Trường hợp loài chim sẻ ngô (Parus major). Loài chim này phân bố khắp châu Á, châu Âu, Bắc Phi và trên các đảo vùng Địa Trung Hải. Do phân bố rộng, trong loài đã hình thành nhiều nòi địa lí, trong đó có ba nòi chính như sau:
- Nòi Trung Quốc sải cánh dài 60 – 65mm, lưng và gáy xanh.
- Nòi Ấn Độ sải cánh dài 50 – 70mm, lưng và bụng đều xám.
- Nòi châu Âu sải cánh dài 70 – 80mm, lưng vàng và gáy xanh.
Tại nơi tiếp giáp giữa nòi Ấn Độ và nòi Trung Quốc, giữa nòi châu Âu và nòi Ấn Độ, đều có những dạng lai tự nhiên chứng tỏ đây là những nòi trong cùng một loài.
Tuy nhiên, tại vùng thượng lưu sông Amua, nòi châu Âu và nòi Trung Quốc cùng tồn tại mà không có dạng lai. Có thể xem đây là giai đoạn chuyển nòi địa lí sang nòi mới.
Do chướng ngại địa lí (sông Amua) đã cắt rời khu phân bố một loài, làm cho các quần thể trong loài bị cách li sinh sản và trở thành loài mới.
Bài 2 trang 172: Nêu đặc điểm của sự hình thành loài bằng con đường sinh thái, cho ví dụ minh họa. Tại sao phương thức này thường gặp ở thực vật và những nhóm động vật ít di chuyển xa?
Trả lời:- Trong cùng một khu phân bố địa lí, các quần thể của loài được chọn lọc theo hướng thích nghi với những điều kiện sinh thái khác nhau -> hình thành các nòi sinh thái. Các nòi sinh thái này bị cách li sinh sản rồi hình thành loài mới. \
Ví dụ: Một số loài thực vật ở bãi bồi hay ở phía trong bờ sông Volga không khác nhau nhiều về hình dạng, nhưng chu kì sinh trưởng khác nhau (một loài ra hoa kết hạt trước khi lũ về, một loài vào đúng mùa lũ) do vậy, chúng không giao phấn với nhau -> trở thành loài mới.
- Phương thức này thường gặp ở thực vật và nhóm động vật ít di chuyển xa bởi vì: Nhóm sinh vật này không có khả năng di chuyển hoặc di chuyển rất ít nên chúng thường chịu ảnh hưởng của điều kiện sinh thái nhiều hơn.
Bài 3 trang 172: Nêu các cơ chế hình thành loài bằng đột biến lớn. Tại sao hình thành loài bằng đa bội hóa hay gặp ở thực vật, ít gặp ở động vật?
Trả lời:Các cơ chế hình thành loài bằng đột biến lớn: Có những trường hợp sự hình thành loài diễn ra nhanh chóng liên quan với những đột biến lớn như: đa bội hóa, cấu trúc lại bộ NST.
- Đa bội hóa gồm:
+ Đa bội hóa khác nguồn: Tế bào của cơ thể lai khác loài chứa bộ NST 2n của hai loài bố mẹ khác nhau về hình thái, về số lượng, về cấu trúc gen trên NST, nên không thể tiếp hợp ở kì đầu I giảm phân, nên không tạo được giao tử. Do đó, cơ thể lai xa chỉ sinh sản sinh dưỡng, không sinh sản hữu tính.
+ Đa bội hóa cùng nguồn (tự đa bội) là sự kết hợp giữa hai giao tử 2n của cơ thể 2n (giảm phân bị đột biến) tạo cơ thể 4n hay nguyên phân bị rối loạn phân li NST từ tế bào 2n thành tế bào 4n.
- Cấu trúc lại bộ NST: Là phương thức hình thành loài có liên quan đến các đột biến cấu trúc NST (chuyển đoạn, đảo đoạn) làm thay đổi chức năng của gen trong nhóm liên kết mới, làm thay đổi kích thước và hình dạng NST.
* Hình thành loài bằng đa bội hóa hay gặp ở thực vật, ít gặp ở động vật vì ở động vật cơ chế cách li sinh sản giữa hai loài rất phức tạp, sự đa bội hóa lại thường gây nên những rối loạn về giới tính.
Bài 4 trang 172: Nêu thực chất của quá trình hình thành loài mới và vai trò của các nhân tố tiến hóa, các cơ chế cách li đối với quá trình này.
Trả lời:- Thực chất của quá trình hình thành loài mới là sự cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi, tạo ra kiểu gen mới, cách li sinh sản với quần thể gốc.
- Vai trò của các nhân tố tiến hóa đối với quá trình hình thành loài mới là:
+ Các quá trình đột biến và giao phối cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc.
+ Tác động của các nhân tố ngẫu nhiên, di nhập gen làm thay đổi đột ngột tần số tương đối của các alen, nhờ đó làm tăng quá trình hình thành loài mới.
+ Quá trình CLTN là nhân tố định hướng sự hình thành loài, quy định chiều hướng và nhịp điệu thay đổi tần số tương đối của các alen, lựa chọn được những tổ hợp alen đảm bảo sự thích nghi với môi trường.
- Vai trò của các cơ chế cách li đối với quá trình hình thành loài mới là:
+ Thúc đẩy quá trình phân li tính trạng, tăng cường sự phân hóa vốn gen trong quần thể gốc, làm cho quần thể gốc nhanh chóng phân li thành những quần thể mới ngày càng khác xa nhau cho tới khi có sự cách li di truyền nghĩa là tạo ra loài mới.
Bài 5 trang 172: Em hãy chọn đáp án trả lời đúng. Hình thành loài bằng con đường lai xa và đa bội là phương thức thường được thấy ở
A. thực vật.
B. động vật di chuyển xa.
C. động vật ít di chuyển xa.
D. động vật kí sinh.
Trả lời:Đáp án đúng là A. thực vật.
Bài trước: Bài 40: Loài sinh học và các cơ chế cách li - Sinh học 12 nâng cao Bài tiếp: Bài 42: Nguồn gốc chung và chiều hướng tiến hóa của sinh giới - Sinh học 12 nâng cao