Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh học 12 nâng cao > Bài 30: Bảo vệ vốn gen di truyền của loài người - Sinh học 12 nâng cao

Bài 30: Bảo vệ vốn gen di truyền của loài người - Sinh học 12 nâng cao

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 30 trang 119: Tại sao để bảo vệ vốn gen di truyền của loài người, cần phải bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm không khí, nước, đất, thực hiện an toàn thực phẩm, … đặc biệt là tích cực đấu tranh vì hòa bình, chống thảm họa do chiến tranh hạt nhân gây nên?

Trả lời:

Bảo vệ vốn gen di truyền của loài người, cần phải bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm không khí, nước, đất, thực hiện an toàn thực phẩm, … đặc biệt là tích cực đấu tranh vì hòa bình, chống thảm họa do chiến tranh hạt nhân gây nên vì:

- Ô nhiễm là sự thay đổi không mong muốn tính chất vật lí, hóa học, sinh học của không khí, đất, nước của môi trường sống, gây nguy hại tức thời hoặc trong tương lai đến sức khỏe và đời sống con người… Đặc biệt là các tác nhân gây đột biến gen và đột biến NST. Ví dụ:

+ Các khí thải do sản xuất công nghiệp như: NO2, CO, CO2, SO2, các loại hiđrô cacbua, … Đều gây nguy hại cho sức khỏe và có thể gây biến đổi vốn gen di truyền của con người.

+ Thuốc trừ sâu và các chất độc hóa học: DDT và các chất độc hóa học khác gây ô nhiễm sinh quyển. Chúng phát tán theo đường nước, không khí rồi đi vào chuỗi thức ăn, xâm nhập vào cơ thể thực vật, động vật và con người. Hơn nữa, chúng còn có khả năng tàn phá các quần xã sinh vật.

+ Thuốc diệt cỏ: Nhóm hợp chất simazon, monoron gây rối loạn quá trình quang hợp, 2,4D, 2,4,5T… gây rụng lá hoặc hủy diệt thực vật. Các chất này đều có chứa đioxin – một tác nhân nguy hiểm, có thể gây ra những bệnh hiểm nghèo cho người như ung thư, quái thai, chửa trứng…

+ Các yếu tố gây đột biến: Các chất tổng hợp dùng trong đời sống do công nghiệp hóa học sản xuất ra, các chất đồng vị phóng xạ, các dạng tia bức xạ, các chất hóa học có khả năng gây đột biến. Vì vậy, cần phải bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm không khí, nước, đất, thực hiện an toàn thực phẩm.

+ Hậu quả của việc Mĩ ném xuống nước Nhật hai quả bom nguyên tử đến nay vẫn chưa đánh giá hết, đó là bài học đắt giá về thảm họa chiến tranh hạt nhân gây nên. Vì thế, cần phải tích cực đấu tranh vì hòa bình, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh chúng ta.

Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 30 trang 120: Em hãy cho biết các con đường lây lan của virut HIV trong quần thể người.

Trả lời:

Virut HIV lây nhiễm qua 3 con đường, đó là:

- Đường máu: qua tiêm chích, truyền máu, xăm hình…

- Đường tình dục: quan hệ tình dục không an toàn.

- Do mẹ bị nhiễm HIV truyền cho con từ giai đoạn bào thai qua trao đổi chất giữa mẹ và con bằng động mạch và tính mạch rốn của thai nhi hoặc khi sinh, qua sữa mẹ cho con bú.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Bài 1 trang 122 sgk Sinh học 12 nâng cao: Gánh nặng di truyền là gì? Nêu những nguyên nhân gây ung thư. Phòng ngừa ung thư cần phải làm gì?

Trả lời:

- Gánh nặng di truyền là sự tồn tại trong vốn gen của quần thể người các đột biến gen gây chết hoặc nửa gây chết… Khi các đột biến gen này ở trạng thái đồng hợp tử sẽ làm chết các cá thể hay làm giảm sức sống của họ. Những tính toán lí thuyết cho thấy, ở trẻ sơ sinh, đột biến gen có hại khoảng 1%, còn đột biến NST gây hại khoảng 1/150.

Các nhân tố di truyền và các nhân tố môi trường đóng vai trò qua trọng trong sự phát triển của hàng loạt các bệnh tật di truyền. Hiện nay đã phát hiện được hơn 6000 bệnh do đột biến gen và hơn 100 hội chứng do đột biến NST gây nên.

- Ung thư là hiện tượng tế bào phân chia vô tổ chức thành khối u và di căn. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư, nhưng ở cơ chế phân tử đều liên quan đến các biến đổi cấu trúc của ADN. Ung thư có thể bắt đầu từ một tế bào bị đột biến xôma, làm mất khả năng kiểm soát phân bào và liên kết tế bào. Ung thư còn do đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể. Ví dụ ở người, mất đoạn của nhiễm sắc thể số 22 gây bệnh ung thư bạch cầu…

- Để phòng ngừa ung thư, để bảo vệ tương lai di truyền của loài người, cần bảo vệ môi trường sống, hạn chế các tác nhân gây ung thư; duy trì cuộc sống lành mạnh, tránh làm thay đổi môi trường sinh lí sinh hóa của cơ thể; không kết hôn gần để tránh xuất hiện các dạng đồng hợp tử lặn về gen đột biến gây bệnh ung thư ở thế hệ sau.

Bài 2 trang 122: Di truyền Y học đã hạn chế sự phát triển của virut HIV ở người bệnh như thế nào?

Trả lời:

- Di truyền y học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về vật chất di truyền của HIV, nó chỉ có 2 phân tử ARN với số lượng nuclêôtit rất ít ở mỗi sợi.

- Ngăn chặn bằng các con đường lây bệnh, tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu tác hại của HIV.

- Để làm chậm sự phát triển của bệnh AIDS, người ta tiến hành các bước sau:

+ Lựa chọn đoạn nuclêôtit có khả năng bắt cặp bổ sung với một số đoạn ribônuclêôtit trên phân tử ARN của virut HIV.

+ Chuyển các đoạn nuclêôtit này vào trong tế bào bạch cầu T được lấy ra từ người không mắc bệnh là anh em sinh đôi cùng trứng với người bệnh.

+ Sau đó, các tế bào T này được tiêm vào bệnh nhân.

+ Cơ chế làm chậm sự phát triển của bệnh AIDS là do trình tự đối bổ sung sẽ ức chế sự sao chép của virut HIV, ngăn nó phân chia.

Bài 3 trang 122: Đánh giá sự di truyền trí năng của mỗi cá thể bằng chỉ số nào? Chỉ số này phụ thuộc vào những điều kiện gì? Để bảo vệ sự di truyền trí năng của loài người cần thực hiện điều gì?

Trả lời:

- Đánh giá sự di truyền trí năng bằng chỉ số IQ. Chỉ số IQ là tính trạng số lượng dùng để đánh giá sự di truyền trí năng, là kết quả tác động cộng gộp của các gen theo cùng một hướng.

- Chỉ số này phụ thuộc:

+ Kiểu gen: Trí tuệ được di truyền. Khi phân tích hoạt động của gen trong sự biểu hiện của khả năng trí tuệ người ta nhận thấy gen điều hòa có vai trò quan trọng hơn gen cấu trúc.

+ Chỉ số IQ còn bị chi phối bởi các nhân tố môi trường, xã hội như: chế độ dinh dưỡng, tâm lí người mẹ lúc mang thai, quan hệ tình cảm gia đình và xã hội, sự giáo dục của gia đình và xã hội trong suốt cuộc sống của cá thể…

- Bảo vệ tiềm năng di truyền và khả năng biểu hiện trí năng của con người cần:

+ Tránh những tác nhân gây đột biến bộ gen của người.

+ Đảm cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần, mọi người đều được tiếp cận với nền văn minh của nhân loại trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giải trí…

+ Đặc biệt, đối với trẻ em từ sơ sinh đến 3 tuổi cần có chế độ nuôi dưỡng đầy đủ và thích hợp, như cung cấp prôtêin với số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu để phát triển não bộ, cung cấp đầy đủ chất béo để đảm bảo cho hệ thần kinh của não được phát triển cực thuận…

Bài 4 trang 122: Nhằm bảo vệ vốn gen di truyền loài người, Di truyền học đã phát triển những lĩnh vực nghiên cứu nào? Hãy nêu những hậu quả của việc nhiễm độc điôxin.

Trả lời:

- Di truyền học đã ngày càng phát triển nhiều lĩnh vực mới nhằm nghiên cứu và bảo vệ vốn di truyền của loài người.

+ Di truyền học phóng xạ: Với các thực nghiệm trên mô nuôi cấy của người, đã xác định tất cả các loại bức xạ ion hóa đều có khả năng gây đột biến. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tránh gây nhiễm xạ môi trường sống và những hậu quả ghê gớm của việc thử vũ khí hạt nhân…

+ Các chất hóa học, các chất thải (khí, rắn hoặc lỏng) là sản phẩm của công nghiệp, hóa được… được dùng hàng ngày (trong nông nghiệp, đời sống…) hoặc môi trường bị ô nhiễm, đều có khả năng gây nguy hại cho vốn gen di truyền của con người. Từ đó đã ra đời các lĩnh vực chuyên môn mới như Di truyền học độc tố, Di truyền học dược lí, nghiên cứu tính nhạy cảm, sự phản ứng khác nhau của con người đối với từng loại hóa dược.

- Trong cuộc chiến tránh vừa qua, miền Nam nước ta bị nhiễm một khối lượng lớn hóa chất diệt cỏ và gây rụng lá cây. Trong thành phần hóa chất này có điôxin là một chất cực độc, chỉ với một lượng rất nhỏ cũng đủ làm cho trẻ bị quái thai, dị hình, các tật bệnh di truyền bẩm sinh như u não, khe hở hàm ếch, lác mắt, đục thủy tinh thể, chân bị khoèo, thừa ngón, chậm phát triển trí tuệ…

Bài 5 trang 122: Hãy chọn phương án trả lời đúng. Theo quan điểm của di truyền học, nguyên nhân của bệnh ung thư là

A. đột biến gen.

B. đột biến NST.

C. biến đổi cấu trúc của ADN

D. cả A, B và C

Trả lời:

Đáp án đúng là D. cả A, B và C